Lễ hội Dua Tpeng hay còn có tên gọi là Phá Bàu. Thường được tổ chức vào cuối mùa khô, trước khi diễn ra Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer. Thời điểm này phù hợp với điều kiện thời tiết, khi nước trong bàu (hồ nước) cạn và các loài thủy sản đủ lớn để đánh bắt, phục vụ cho các hoạt động của lễ hội, làm thực phẩm cho các hộ gia đình.
Lễ hội thể hiện văn hóa ứng xử với môi trường sống, môi trường tự nhiên của con người, là nơi bảo tồn các công cụ đánh bắt truyền thống của người Khmer. Dua Tpeng cũng là nơi thể hiện tính giáo dục, văn hóa, tinh thần đoàn kết, sự giao lưu tình cảm không chỉ giữa các cư dân trong sóc mà cả với cộng đồng cư dân các khu vực khác. Những cuộc giao lưu tại lễ hội làm xóa đi khoảng cách không gian, xóa đi những định kiến.
Để thực hành nghi lễ cúng thần linh trong lễ hội, công tác chuẩn bị lễ vật để cúng thần linh sẽ được già làng và một số thành viên lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng trực tiếp chuẩn bị.
Mang theo công cụ tới lễ hội là hình thức để cộng đồng tôn vinh sản xuất. |
Chiều hôm trước khi diễn ra lễ hội, thanh niên trong các sóc làm chòi, gồm một chòi lớn cho già làng và các đại biểu ngồi tham dự. Mỗi sóc có một chòi riêng để bà con tham dự lễ hội tránh nắng, tổ chức các hoạt động giao lưu. Cũng trong chiều hôm đó, tại nhà già làng sẽ diễn ra các hoạt động như tập lại các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống; chuẩn bị làm thịt heo, nấu cơm ống, canh thụt, xôi... để làm lễ vật cúng thần linh.
Các lễ vật sau đó được chuẩn bị thành hai phần, một phần cúng tại miếu ông Tà và một phần để cúng thần linh tại bàu nước - khu vực chính diễn ra Dua Tpeng. Đặc biệt, lễ vật cúng thần linh có đầu heo luộc do già làng đã chọn từ trước. Khi cắt phần đầu heo, người làm thịt phải khéo léo để lại phần thịt ở cổ, khi luộc dây thịt phía sau cổ sẽ được quấn lên che lại phần ngang mắt của đầu heo.
Sáng sớm của ngày hội, những người lớn tuổi trong các sóc tập trung tại nhà già làng chuẩn bị lễ vật và làm cây bông bằng lá trầu để cúng thần linh. Sau đó, già làng cùng một số người phụ giúp được phân công mang lễ vật đến miếu ông Tà cúng để xin phép được tiến hành lễ hội. Khi các nghi lễ cúng tại miếu ông Tà kết thúc, các thành viên di chuyển về bàu nước để thực hiện các nghi lễ của lễ hội.
Để sắp xếp lễ cúng, già làng đặt lễ vật tại hướng Tây của bàu nước và nhìn về hướng Đông để cúng. Sau đó, già làng ngồi tại mâm cúng để khách đến tham dự lễ hội chào hỏi cũng như mời rượu cảm ơn. Khi hoàn tất các nghi thức, bà con tổ chức các trò chơi truyền thống như: Bós Chhun (ném khăn), Léc Com Seng (giấu khăn) và Bon Pul Treng (thuốc cá bằng trái buông). Các trò chơi này có các bài hát kèm theo, những người chơi vừa thực hiện các động tác vừa hát các bài hát có liên quan để cổ vũ, làm cho không khí vui tươi, rộn ràng hơn.
Bắt cá là hoạt động được mong chờ tại Dua Tpeng. |
Đặc biệt, trò Bon Pul Treng, giã trái buông thả xuống bàu nước làm cho cá và một số loài thủy sản trở nên lờ đờ, bắt dễ dàng hơn thu hút đông người dân háo hức tham gia. Trái buông giã xong, thả xuống nước, già làng sẽ cầm tù và vừa thổi vừa đi ba vòng quanh bàu nước. Khi thực hiện xong, già làng sẽ dùng dùi gỗ đánh vào chiếc mõ ba tiếng, đây là thông điệp cho phép dân làng được xuống bàu đánh bắt thủy sản. Lúc này, người dân với những vật dụng đã được chuẩn bị từ trước sẽ nhanh chóng tiến xuống bàu nước để đánh bắt. Những người trên bờ sẽ hát múa để động viên, cổ vũ, tạo nên không khí náo nhiệt.
Có thể nói Dua Tpeng là lễ hội văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc của người Khmer tại tỉnh Bình Phước. Hoạt động này phản ánh rõ nét đời sống của cư dân nông nghiệp canh tác lúa nước và nương rẫy. Lễ hội là một hoạt động văn hóa đã có từ lâu đời, được lưu truyền qua các thế hệ, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Lễ hội Dua Tpeng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2019.