Bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học biển
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhấn mạnh, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học là nội dung quan trọng của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển. Hoạt động lấn biển và khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng sẽ có tác động lớn tới môi trường biển, nhất là tác động của dòng chảy dọc và ngang, dẫn tới khả năng xói lở bờ biển. Đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, định hướng và giải pháp khắc phục tình trạng trên?
Trả lời chất vấn trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Để giải quyết những vấn đề chồng lấn, giao thoa này, Quy hoạch không gian biển quốc gia đã có phân vùng sử dụng, định hướng không gian phát triển, quy hoạch gắn với quy hoạch các ngành, quy hoạch của các địa phương có biển. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc quy hoạch để giải quyết vấn đề này, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường.
Đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) nêu vấn đề: Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, tăng diện tích các khu vực bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia, phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và sẽ có giải pháp như nào để hiện thực hóa mục tiêu trên của Đảng?
Trả lời đại biểu Lã Thanh Tân, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, từ Nghị quyết này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình Chính phủ về quy hoạch không gian biển quốc gia. Bên cạnh đó, quy hoạch các vùng, các địa phương cũng đã được lồng ghép tổ chức thực hiện. Theo Bộ trưởng, ngoài các khu bảo tồn đa dạng, phải rà soát các khu vực bảo vệ gắn với bảo tồn; rà soát các rừng ngập mặn sử dụng đa mục đích theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển, vừa sản xuất nông nghiệp vừa nuôi trồng thủy hải sản.
Đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu rõ: Trong Báo cáo số 124 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề cập đến những kết quả trong công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh, vẫn còn tồn tại hạn chế trong công tác này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ đánh giá về những hạn chế trong công tác giáo dục pháp luật về biển đảo, cũng như những giải pháp để công tác phổ biển, giáo dục chính sách pháp luật về biển và hải đảo ngày càng thiết thực, hiệu quả.
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khẳng định, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương nỗ lực phổ biến, tuyên truyền đến người dân về Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thủy sản, đặc biệt là vấn đề khai thác tài nguyên biển, nuôi trồng đánh bắt hải sản.
Để ngăn ngừa hoạt động đánh bắt trái phép, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thống nhất với ý kiến của đại biểu Hồng Hạnh là công tác phổ biến pháp luật và ý thức trách nhiệm của người dân rất quan trọng. Do đó, cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc để tuyên truyền vấn đề này.
Vừa qua, để tuyên truyền Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ môi trường, Bộ đã phối hợp với Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các địa phương để phổ biến pháp luật, chính sách của Nhà nước, đồng thời kịp thời kiểm tra, giám sát các sai phạm. Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền phổ biến cho nhân dân các nội dung liên quan đến vấn đề đánh bắt thủy hải sản trái phép, không đúng quy định,
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng thông tin thêm, vừa qua, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, tập trung vào quy hoạch không gian biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có định hướng nuôi trồng thủy hải sản ở vùng biển xa, thời gian tới cố gắng giảm tỉ trọng đánh bắt thay vì đánh bắt với sản lượng lớn và "hủy diệt" như hiện nay.
4 giải pháp khắc phục vấn đề ngập úng đô thị
Cũng tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã tham gia trả lời, làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu Quốc hội nêu.
Liên quan đến vấn đề dùng cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, về vật liệu thay thế, Bộ Xây dựng đã xây dựng, ban hành và chuyển các cơ quan có thẩm quyền ban hành tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như các định mức kinh tế kỹ thuật về xử lý sử dụng tro sỉ, thạch cao sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng, bao gồm 19 tiêu chuẩn, 1 quy chuẩn, 7 chỉ dẫn kỹ thuật và 3 định mức kinh tế kỹ thuật.
Đối với vấn đề ngập úng đô thị do san lấp ao hồ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, tình trạng này diễn ra phức tạp do một số nguyên nhân như: Tác động của tự nhiên, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, khả năng tiêu thoát nước giảm xuống; công tác quy hoạch chưa đáp ứng được dự báo cũng như đáp ứng các yêu cầu để phòng, chống ngập úng đô thị; việc triển khai thực hiện quy hoạch và do công tác lập, thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch cũng chưa đáp ứng yêu cầu; ý thức của người dân còn chưa cao, việc xả rác thải vẫn còn diễn ra... dẫn đến cản trở dòng chảy thoát nước.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Xây dựng đưa ra một số giải pháp. Thứ nhất là tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cơ chế, chính sách có liên quan đến công tác thoát nước cũng như xử lý nước thải, trong đó có tập trung xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Cấp, thoát nước, Luật Quản lý phát triển đô thị và những hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức có liên quan đến xử lý nước thải.
Thứ hai là nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Thứ ba là tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm đảm bảo công tác thoát nước và xử lý nước thải đô thị. Thứ tư là rà soát, tập trung hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra các địa phương để triển khai các quy hoạch cũng như các quy định pháp luật trong công tác xử lý nước thải, thoát nước thải đô thị.