Năm 1882, Hoàng hậu Eugenie, vợ của Hoàng đế Napoléan III, đã tặng Tháp Đồng hồ nổi tiếng cho các tu sĩ Đa Minh đã giúp đỡ người dân Mosul trong đại dịch bệnh thương hàn những năm 1870. Khu vực xung quanh nhà thờ sau đó được gọi là Al-Saa’a.
Công trình nhà thờ gồm hai chái có kích thước bằng nhau, mỗi chái có mái vòm lớn, sân trung tâm rộng. Bên trong được trang trí bởi các cửa sổ kính màu và đá cẩm thạch. Tháp đồng hồ cao 27 mét và có thể nhìn thấy từ bất cứ nơi nào của thành phố cổ Mosul. Tháp có bốn mặt đồng hồ. Ban đầu, đồng hồ được điều chỉnh bằng tay, cho đến những năm 1980, chúng được thay thế bằng các phiên bản cơ khí hóa.
Vào năm 2016, phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã phá hủy một phần Nhà thờ Al-Saa´a. Tuy nhiên, chỉ có phần phía Nam của nhà thờ bị hư hại. Tháp đồng hồ gần như không chịu thiệt hại nào. Cuộc chiến với IS để lại hàng triệu tấn đống đổ nát ở Mosul (Iraq). Cuộc tàn phá với quy mô lớn đã khiến thành phố lùi lại nhiều thập kỷ. Hàng nghìn binh lính và dân thường đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự kết thúc với việc quân đội Chính phủ Iraq tiếp quản khu vực này vào năm 2017.
Omar, một cư dân của Mosul trước đây từng làm hướng dẫn viên du lịch, nhớ lại rằng cuộc sống dưới sự cai trị khắc nghiệt của IS: “Mọi người đều cảm thấy đau đớn như mất đi người thân yêu. Chúng tôi sống mà thấy như mình chỉ tồn tại và mắc kẹt trong một nhà tù lớn”.
Với sự chấp thuận chính thức từ dòng Đa Minh, UNESCO phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan bắt đầu phục dựng Nhà thờ Đồng hồ ở Mosul. Dự án này sẽ bao gồm tất cả các giai đoạn của một dự án phục dựng di sản (từ giải phóng mặt bằng và khảo sát ban đầu đến việc chuẩn bị thiết kế chi tiết để thi công thực tế), tạo ra một cơ hội “đào tạo tại chỗ” duy nhất dành cho các chuyên gia và thợ phục dựng di sản địa phương. Trên thực tế, việc triển khai dự án này sẽ được lồng ghép chặt chẽ với chương trình nâng cao năng lực dài hạn của các bên liên quan.
Vào tháng 10 năm 2019, việc phục dựng Nhà thờ Đồng hồ là một trong những hoạt động chính trong Dự án do UNESCO tài trợ mang tên “Hồi sinh tinh thần của Mosul” bằng cách tái hiện lại các địa danh lịch sử của thành phố này, bao gồm các nhà thờ bị phá hủy. “Hồi sinh tinh thần của Mosul” là kế hoạch trùng tu lớn nhất trong lịch sử Iraq, diễn ra hai năm sau khi thành phố cổ này bị các phần tử cực đoan phá hủy. Một kế hoạch phục hồi đền thờ Hồi giáo từng gây sự chú ý nhiều nhất với số tiền lên tới 100 triệu USD. Trong đó, riêng các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đóng góp 50,4 triệu USD tài trợ cho dự án, Liên minh châu Âu (EU) đóng góp 24 triệu USD.
UNESCO kỳ vọng đạt được sự hòa giải và gắn kết xã hội ở Mosul thông qua việc khôi phục và tái thiết các di tích lịch sử này. Những nhà thờ tại đây chính là bằng chứng cho sự đa dạng của thành phố, nơi giao thoa đặc biệt giữa các nền văn hóa và là nơi trú ẩn yên bình cho các cộng đồng tôn giáo khác nhau qua nhiều thế kỷ.