Một phụ nữ đọc sách tại Mosul sau khi tổ chức phiến quân IS rút đi. |
Hind theo học ngành kỹ thuật điện, một lĩnh vực hiếm khi được phụ nữ lựa chọn, và rất xuất sắc trong lĩnh vực này. Cô đã làm việc chăm chỉ để lấy bằng và chăm chỉ hơn nữa để bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực mà cô chọn lựa. Nhưng điều này vẫn chưa đủ. Hind được thúc đẩy bởi niềm tin và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của mình.
Trong khi người dân sống trong sợ hãi dưới sự kìm kẹp của bạo lực và thù hận, thì Hind đắm chìm vào việc đọc những cuốn sách tập trung vào tự do tư tưởng. Cô tự hỏi làm thế nào mà một số ít người dựa vào lòng thù hận và bạo lực lại có thể kiểm soát được số đông như vậy? Bị cưỡng bức buộc thôi học, bị xé nát sách vở, bị cách ly khỏi đời sống văn hóa của mình, câu trả lời là hiển nhiên: “Sự ngu dốt chiếm lĩnh và điều khiển tâm trí chúng ta rất dễ dàng, bởi vì chúng ta ngừng suy nghĩ”, Hind nhận xét.
Càng đọc nhiều, cô ấy càng muốn làm được nhiều hơn nữa cho cộng đồng của mình, để khuếch đại tiếng nói của các nhóm bị thiệt thòi: “Tôi nhận ra rằng chúng tôi đang ở một bước ngoặt giữa cách chúng tôi sống trước đây và cách chúng tôi sẽ sống sau này”. Hind mô tả sự thôi thúc tham gia và hành động cùng với những người đồng hương của mình. Cô biết rằng bất cứ điều gì cô ấy làm, phải được hoàn thành với sự trợ giúp từ những trang sách.
Với một nhóm bạn trẻ, cô nghĩ đến việc huy động sức trẻ để chấn hưng văn hóa đọc trên địa bàn thành phố. Hind nói: “Và do đó, lễ hội đọc sách đã ra đời”. Thông qua sách, Hind muốn nâng cao nhận thức và vén lên bức màn về thế giới của cô. “Chúng tôi không thể ở trong giới hạn mà người khác vẽ ra cho chúng tôi. Mỗi chúng ta phải có khả năng đưa ra quyết định và lập kế hoạch cho tương lai của mình”. Hind chia sẻ suy nghĩ về cách những cuốn sách giải phóng tâm trí của cô.
Hiện tại, Hind là một thành viên tích cực của cộng đồng, làm việc với một tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ phụ nữ trong các tình huống sau xung đột. Cô sở hữu một chương trình radio dành cho người khuyết tật và là một thành viên tích cực của Lễ hội đọc sách ở Mosul, nơi quy tụ hàng nghìn người chung niềm quan tâm về văn hóa. Một ví dụ khác về những nỗ lực của cộng đồng trong việc Hồi sinh Tinh thần Mosul.
UNESCO đã khởi động sáng kiến Hồi sinh Tinh thần Mosul vào tháng 2/2018 như là sự tham gia của tổ chức này đối với việc khôi phục một trong những thành phố mang tính biểu tượng của Iraq. Hồi sinh Tinh thần Mosul là kế hoạch trùng tu lớn nhất trong lịch sử Iraq và diễn ra hai năm sau khi thành phố cổ bị các phần tử cực đoan phá hủy. Tuy nhiên Hồi sinh Tinh thần Mosul không chỉ là xây dựng lại các địa điểm di sản, mà còn là trao quyền cho người dân với tư cách là những tác nhân thay đổi liên quan đến quá trình xây dựng lại thành phố của họ thông qua văn hóa và giáo dục.