Vạn Lý Trường Thành xuyên qua rất nhiều tỉnh của Trung Quốc bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh với hơn 14 triệu dân. Giáp với Mông Cổ và Mãn Châu, Vạn Lý Trường Thành được xây dựng như một pháo đài phòng thủ trong thời Chiến Quốc.
Trải dài hơn suốt vài nghìn dặm, nơi đây trở thành một điểm thu hút du lịch lớn của Trung Quốc.
Việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành bắt đầu từ thời Tần Thủy Hoàng. Các bức tường được xây từ phía đông tại Sơn Hải Quan, gần Tần Hoàng Đảo, ở tỉnh Hà Bắc gần Vịnh Bột Hải. Kéo dài qua chín tỉnh và 100 huyện, 500km cuối cùng vẫn còn nhưng đã thành những đống gạch vụn, và hiện nay nó kết thúc ở điểm cuối phía tây di tích lịch sử Gia Dục Quan, nằm ở phía tây bắc tỉnh Cam Túc tại biên giới với Sa mạc Gobi và những ốc đảo của Con đường tơ lụa. Tần Thủy Hoàng ra lệnh xây bức tường đã huy động hơn 500.000 nông dân được hỗ trợ trong việc xây dựng. Trong đó nhiều người xây dựng thành là tù nhân.
Sau đó, thành được tiếp tục xây dựng trong thời gian cai trị của Bắc Ngụy. 300.000 người đã được huy động để xây dựng thành ở phía nam Đại Đồng.
Những con số này ít hơn rất nhiều so với hàng triệu người được huy động nhập ngũ để hoàn thành bức tường. Để xây thành công bức thành dài nhất thế giới này, Trung Quốc đã phải dành hơn một thế kỷ và rất nhiều người đã bỏ mạng trong khi xây thành.
Những nhân công xây thành đã phải kéo xe tay gạch đá trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để có thể hoàn thành kiệt tác thế giới này.
Trong suốt thời nhà Minh, các tháp canh được trông giữ cẩn thận giúp Trung Quốc cảnh báo kẻ thù nguy hiểm và nhiều khẩu pháo cũng được đặt ở thành. Ngoài ra tháp canh còn là nơi luyện tập và sinh sống của các binh sĩ.
Trong thế kỷ 13, Vạn Lý Trường Thành bị Mông Cổ xâm chiếm và trong thế kỷ 17, nhiều lính Mãn Châu đã chiếm thành.
Là một phần quan trọng của văn hóa Trung Quốc, xung quanh Vạn Lý Trường Thành có rất nhiều huyền thoại. Một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất là chuyện về Mạnh Khương Nữ, vợ một thư sinh bị bắt đi xây Trường Thành vào thời nhà Tần. Đến mùa đông, Mạnh Khương Nữ đan áo cho chồng và đã lặn lội tìm chồng để trao áo. Mạnh Khương Nữ đã đi khắp theo chiều dài của Trường Thành, hỏi thăm nhiều người và cuối cùng nhận được hung tin chồng mình bị chết vùi thây dưới Trường Thành. Nàng Mạnh Khương đau buồn khóc lóc thảm thiết 3 ngày 3 đêm, nước hòa lẫn máu. Tiếng khóc của Mạnh Khương vang xa 800 dặm Trường Thành, làm sụp đổ một khúc thành, để lộ xác chết của chồng mình. Nàng an táng cho chồng xong liền nhảy xuống biển tự vẫn. Ngày nay, tại quận Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc có miếu thờ Mạnh Khương Nữ.
Tuệ Linh