Sao Kim là hàng xóm gần chúng ta nhất trong hệ Mặt trời, nhưng lại khác xa so với Trái đất.
Sao Kim có rất nhiều màu, tùy thuộc vào việc bạn quan sát nó bằng cách nào.
Nhìn bằng mắt thường từ Trái Đất, sao Kim giống như một ngôi sao sáng chói. Thực tế nó là ngôi sao sáng nhất và xuất hiện sớm nhất trên bầu trời vào những đêm trời trong.
Sao Kim là hành tinh có bầu khí quyển rất dày với những đám mây acid sulphuric cực kỳ đậm đặc khiến cho môi trường ở đây giống như sát thủ đối với sự sống. Chúng ta thường nhìn thấy bầu khí quyển này có màu vàng nhạt hoặc màu trắng.
Bên dưới các tầng khí quyển, bề mặt sao Kim lại có màu nâu đỏ. Đó là màu của lớp đá và bụi trên bề mặt hành tinh này.
Chúng ta cũng đã chụp được nhiều bức ảnh sao Kim với những bước sóng ánh sáng khác nhau kèm theo nhiều chi tiết ở các mức độ khiến cho hành tinh này có nhiều màu sắc tùy vào thời điểm và phương pháp chụp ảnh.
Thế nhưng, những bức ảnh này cũng lại không giống với những gì bạn nhìn thấy bằng mắt thường nếu bạn đến gần được sao Kim. Và trong tương lai không xa, khi con người thực hiện những chuyến bay thám hiểm đến hành tinh này, chúng ta sẽ còn hiểu rõ hơn nữa về sao Kim.
Những đặc điểm kỳ lạ của sao Kim
Sao Kim là hành tinh thứ hai tính từ Mặt Trời, sau sao Thủy. Sao Kim còn có tên là Venus, được đặt theo tên của một vị thần La Mã. Chúng ta có thể nhìn thấy sao Kim bằng mắt thường từ Trái Đất.
Sao Kim này có kích thước và khối lượng gần bằng Trái Đất. Mỗi năm sao Kim dài bằng 224,7 ngày Trái Đất. Đó là thời gian ngôi sao này đi hết một vòng quanh Mặt Trời.
Một ngày của Trái Đất dài 24 giờ, còn một ngày của sao Kim rất dài, bằng 116,75 ngày Trái Đất.
Sao Kim quay theo chiều kim đồng hồ, trong khi tất cả các hành tinh khác của hệ mặt trời đều quay ngược chiều kim đồng hồ. Điều đó có nghĩa là nếu bạn đang ở trên sao Kim, bạn sẽ thấy Mặt Trời mọc ở phía Tây và lặn ở phía Đông.
Sao Kim còn là hành tinh có nhiệt độ bề mặt cao nhất trong hệ mặt trời, mặc dù sao Thủy còn ở gần Mặt Trời hơn. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt sao Kim là 464 độ C, kết hợp với tầng mây acid sulphuric thì bạn có thể tưởng tượng nó chính là "địa ngục".
Các nhà khoa học cho rằng trên sao Kim đã từng có những đại dương chất lỏng nhưng chúng dần biến mất do nhiệt độ quá cao.
Khám phá sao Kim là việc vô cùng khó bởi vì điều kiện khắc nghiệt nơi đây. Chuyến đi của tàu thám hiểm Magellan lên quỹ đạo sao Kim vào năm 1991 đã giúp chúng ta lập được bản đồ bề mặt hành tinh này. Hiện nay, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đang lên kế hoạch cho những chuyến thám hiểm hành tinh này trong tương lai.