Sức sống bền bỉ của phong trào hiến máu nhân đạo

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kể từ năm 2000 đến nay, ngày 7/4 được chọn là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Hàng năm, đây là dịp để các cấp tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân cả nước về mục đích, ý nghĩa cao đẹp của hiến máu cứu người, qua đó khuyến khích, động viên đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu thường xuyên, tạo phong trào hiến máu lan tỏa, rộng khắp trong toàn xã hội.
Đông đảo thanh niên Bắc Ninh tham gia hiến máu trong Ngày “Chủ nhật đỏ” lần thứ XV, năm 2023 với chủ đề “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”, ngày 28/2. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN.
Đông đảo thanh niên Bắc Ninh tham gia hiến máu trong Ngày “Chủ nhật đỏ” lần thứ XV, năm 2023 với chủ đề “Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi”, ngày 28/2. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN.

Khởi đầu gian khó

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, phong trào hiến máu nhân đạo (nay gọi là hiến máu tình nguyện) đã nhen nhóm từ trước những năm 90 của thế kỷ trước, được các y, bác sỹ, sinh viên các trường y dược ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thanh niên, công nhân tham gia. Các hoạt động khi đó còn nhỏ lẻ, không lan rộng, không thường xuyên và chưa nhận được sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể.

Đến ngày 24/1/1994, được sự ủng hộ của Ban Khoa giáo Trung ương ( nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Giáo sư, Tiến sỹ Khoa học Đỗ Trung Phấn ( Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu, Bệnh viện Bạch Mai - tiền thân của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) đã phát động ngày hiến máu nhân đạo đầu tiên có sự tham gia của nhiều lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể Trung ương, mới chính thức đặt “viên gạch” đầu tiên cho phong trào hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Ở thời kỳ đó, công tác hiến máu đã phát triển mạnh tại một số thành phố lớn với sự tham gia tích cực của thanh niên, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, lượng máu chủ yếu vẫn được tiếp nhận từ những người cho máu lấy tiền. Máu còn thiếu cả về số lượng, rủi ro về chất lượng và sự an toàn, trong khi đại dịch HIV/AIDS đã bùng nổ trên thế giới và tại Việt Nam.

Ngày 7/4/2000, nhân Ngày Sức khoẻ Thế giới với chủ đề “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi”, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu nhân đạo, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền, cán bộ, công nhân viên chức người lao động và các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Bằng những nỗ lực, vượt qua những khó khăn, phong trào hiến máu tình nguyện đã dần dần thu được những kết quả bước đầu. Năm 1994, cả nước tiếp nhận được 138.000 đơn vị máu; 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện. Đến năm 2000, số lượng máu tiếp nhận của toàn quốc là 236.740 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 30,8%, gần 90% người hiến máu là học sinh, sinh viên.

Phát triển mạnh mẽ

Theo thông tin của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, giai đoạn năm 2000 - 2018, phong trào hiến máu tình nguyện nước ta có nhiều bước phát triển mạnh mẽ với nhiều điểm nhấn quan trọng.

Lượng máu tiếp nhận và tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng nhanh hàng năm. Đến năm 2018, cả nước đã tiếp nhận hơn 1,3 triệu đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 98%. Cơ cấu nguồn người hiến máu chuyển dịch dần sang các lực lượng khác như: cán bộ viên chức, người lao động, nông dân, lực lượng vũ trang… Đây cũng là giai đoạn phong trào hiến máu nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự tham gia có hiệu quả của các cơ quan Trung ương và địa phương; từ đó tạo ra một phong trào phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu trong nhân dân.

Giai đoạn trên đánh dấu sự ra đời của Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện và hình thành Ban Chỉ đạo các cấp, tạo sự thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện công tác tuyên truyền vận động hiến máu.

Công tác tổ chức hiến máu ngày càng chuyên nghiệp, bài bản với sự xuất hiện của hàng loạt các chương trình, sự kiện hiến máu cấp quốc gia, cấp địa phương, tạo cú huých mạnh mẽ cho phong trào hiến máu tình nguyện như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, “Những giọt máu hồng hè”… và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác nhân các dịp: Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4), Ngày Quốc tế người hiến máu tình nguyện (14/6)…

Trước đây, vào các dịp hè và Tết, tình trạng khan hiếm nguồn máu thường xảy ra, kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng. Các ngày hội, sự kiện hiến máu lớn được khởi động, duy trì tổ chức đã giúp cho cả nước nói chung và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương nói riêng khắc phục được tình trạng khó khăn đó.

Hiện nay, công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện luôn được chú trọng đẩy mạnh sâu rộng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền thông; đào tạo, tập huấn về công tác vận động, huy động nguồn lực hiến máu nhân đạo cho hàng nghìn cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ… Đến nay, cả nước đã thành lập được 4.259 câu lạc bộ với hơn 135.000 thành viên tham gia như: Câu lạc bộ hiến máu dự bị, Câu lạc bộ 25, Câu lạc bộ máu hiếm, Câu lạc bộ gia đình máu hiếm, Câu lạc bộ vận động hiến máu tình nguyện... Công tác xây dựng lực lượng hiến máu dự bị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo cũng được quan tâm, triển khai có hiệu quả.

Nâng tầm chất lượng, hiệu quả và bền vững

Theo ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện), mạng lưới làm công tác vận động hiến máu tình nguyện đã được hình thành, từng bước ổn định. Hiện nay, nhận thức của toàn xã hội về lợi ích của hiến máu tình nguyện đã có chuyển biến tích cực. Lượng máu vận động và tiếp nhận được ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, góp phần quan trọng bảo đảm công tác an toàn truyền máu, cứu chữa cho hàng triệu người bệnh cần truyền máu, nhất là trong thời điểm diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19.

Đối tượng hiến máu hiện nay đã có sự đa dạng hơn khi lực lượng chiến sỹ Công an, Quân đội, cán bộ, viên chức, người lao động, nông dân, học sinh, sinh viên, các tăng ni, phật tử… tham gia hiến máu tình nguyện ngày càng tích cực. Đó thực sự là hình ảnh đẹp trong cuộc sống cộng đồng, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân, nhất là trong thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Những cá nhân, gia đình, dòng họ, tuyến phố, cơ quan tham gia hiến máu không chỉ tạo nguồn máu cho người bệnh mà còn góp phần giáo dục, lan tỏa lòng nhân ái trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, ông Nguyễn Hải Anh chia sẻ.

Trong hai năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, trên diện rộng, công tác vận động, tuyên truyền, tiếp nhận, điều phối máu vẫn được duy trì đều đặn, an toàn, hiệu quả với những biện pháp tổ chức linh hoạt, sáng tạo, đảm bảo máu phục vụ cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân trên toàn quốc, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Năm 2021, cả nước đã vận động, tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu; năm 2022 là 1,4 triệu đơn vị máu.

Số lượng đơn vị máu tiếp nhận của toàn quốc mỗi năm gần đây không tăng nhiều nhưng tỷ lệ người hiến máu tình nguyện vẫn đạt 99%. Đặc biệt, tỷ lệ người hiến máu nhắc lại thường xuyên đã đạt trên 50%.

Tuy công tác hiến máu tình nguyện hiện nay đã khởi sắc hơn nhưng để công tác này ngày càng chất lượng, hiệu quả, bền vững, Tiến sỹ, Bác sỹ Bạch Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ, mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là phát triển nguồn người hiến máu thường xuyên, bền vững; tăng tỷ lệ đơn vị máu thể tích 350ml, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc người hiến máu”. Hiến máu thường xuyên là mỗi người đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu đều đặn, trung bình mỗi năm hai lần, sẵn sàng hỗ trợ hiến máu vào những thời điểm khan hiếm máu. Máu hiến từ những người hiến tặng thường xuyên là chất lượng nhất và an toàn nhất.

Trong Thư gửi đồng bào, đồng chí và chiến sỹ cả nước nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “…mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.