Ngày 14/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.
Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng đại diện Lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, hiệp hội, địa phương; Lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Toàn cảnh hội nghị |
Đây là Hội nghị quan trọng để củng cố niềm tin và đổi mới cách làm; qua đó, phát huy tốt hơn và tiếp tục nâng cao vai trò thực chất của KTTT trong nền kinh tế nhiều thành phần của nước ta. Về cơ bản đã đạt được đồng thuận về vai trò, ý nghĩa mang tầm chính trị, văn hoá của HTX là đóng góp vào việc xây dựng xã hội hợp tác, đoàn kết, cùng chia sẻ sự thịnh vượng, vì lợi tích thiết thực của mỗi thành viên trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng.
KTTT, HTX có sự phát triển khá mạnh về cả lượng và chất, hỗ trợ cho gần 6 triệu hộ thành viên, chủ yếu là các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, tạo ra số lượng lớn việc làm, xây dựng các liên kết phát triển mới trong nông nghiệp, cùng với các loại hình doanh nghiệp tạo ra một diện mạo nông thôn mới, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội.
Số lượng HTX tăng theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền; đã xuất nhiều mô hình mới. Tính đến hết năm 2018, toàn quốc có 22.861 HTX (gần 14.000 HTX nông nghiệp, 9.005 HTX phi nông nghiệp), trong đó khoảng 57% tổng số HTX hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếu kém để cùng nhau khắc phục.
Theo đó, so với các khu vực kinh tế khác, tốc độ tăng trưởng của khu vực này chậm, thiếu ổn định, chưa phát huy được tiềm năng của kinh tế tập thể, HTX. Đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước còn khiêm tốn và có xu hướng giảm.
Mô hình HTX kiểu mới thành công số lượng chưa lớn, quy mô HTX còn nhỏ, tính liên kết còn hạn chế, năng lực cạnh tranh thấp. Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, người dân còn chưa mặn mà, một bộ phận chưa thật tin tưởng, cuốn hút bởi mô hình HTX kiểu mới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Lê Tiên) |
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém này là gì? Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên là do các cấp, các ngành còn chưa quan tâm đúng mức trong việc chỉ đạo, định hướng, xây dựng cơ chế chính sách, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển.
Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, đảng viên và người dân vẫn chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thống nhất về tinh thần của Nghị quyết, về bản chất tổ chức KTTT; chưa thấy hết được vai trò, vị trí quan trọng của khu vực KTTT trong nền kinh tế, nhất là đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Công tác xây dựng cơ chế, chính sách chưa kịp thời, chậm tháo gỡ các vướng; môi trường pháp lý chưa thuận lợi cho các chủ thể kinh tế tham gia HTX; cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực cho khu vực KTTT, HTX và kinh tế hộ còn nhiều bất cập; chính sách ưu đãi, hỗ trợ KTTT, HTX được ban hành nhiều nhưng nguồn lực thiếu nên khó đi vào thực tiễn.
Bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, HTX chưa được quan tâm, kiện toàn theo yêu cầu, thiếu cán bộ chuyên trách về KTTT;cán bộ đa phần là kiêm nhiệm, chưa nắm chắc chuyên môn, thiếu thực tế; công tác tham mưu trong quản lý nhà nước về HTX còn hạn chế.
Còn tồn tại tâm lý ngại đổi mới, chưa mạnh dạn chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, trong khi đó HTX kiểu mới chưa thực sự trở thành mô hình phổ biến đủ sức cuốn hút, huy động được sự tham gia của thành viên vào các hoạt động, chưa thể hiện được tinh thần hợp tác của tổ chức.
Năng lực nội tại của nhiều HTX còn yếu, thiếu nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực; sự gắn kết lợi ích giữa HTX và thành viên mờ nhạt; lợi ích kinh tế trực tiếp do HTX mang lại cho thành viên chưa nhiều. Việc liên kết, liên doanh giữa HTX với HTX, giữa HTX với các thành phần kinh tế khác còn ít, hiệu quả chưa cao.
Tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; nguồn lực và cơ chế hỗ trợ KTTT còn bất cập, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn gặp khó khăn, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX còn hạn hẹp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: Quang Hiếu |
Bàn về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước hết cần xác định rằng, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển KTTT thông qua việc tạo khung pháp luật, ban hành các chính sách hỗ trợ, bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, chính trị và xã hội.
Phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của người dân, tổ chức tham gia, phải tôn trọng giá trị, nguyên tắc hoạt động của các tổ chức HTX và phù hợp với điều kiện, đặc điểm, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và của cả nước. Đặc biệt đề cao nguyên tắc “tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi” trong hoạt động HTX mà Bác Hồ đã chỉ dạy.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển HTX, tổ hợp tác. Liên kết, hợp tác phát triển với các lực lượng kinh tế khác, nhất là với các doanh nghiệp, coi đây là phương thức hiệu quả nhất để nâng cao năng lực công nghệ và giải quyết các vấn đề thị trường cho nông nghiệp, nông dân trong giai đoạn phát triển tới.
Rà lại các chính sách tạo thuận lợi về đào tạo lao động, chính sách đất đai, chính sách tài chính-tín dụng, chính sách hỗ trợ khoa học công nghệ, chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng... xem những gì có thể sửa để tạo thuận lợi hơn cho KTTT, HTX, tổ hợp tác phát triển.
Phương châm “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” phải tiếp tục được quan tâm cụ thể hơn đối với HTX để tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm tiếp cận nguồn lực, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đào tạo nguồn nhân lực.
Phải khai thác lợi thế, tiềm năng của mô hình HTX, đó là lợi thế về xã hội và lợi thế về số đông để tạo ra sự thay đổi sâu sắc, căn bản về phương thức sản xuất trong nông nghiệp và đời sống nông thôn. Dẫn dắt sự phát triển phong trào HTX theo phương châm ngắn gọn là “Khuyến khích, Hỗ trợ, Học hỏi và Truyền bá”. Nghĩa là tạo môi trường thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho HTX hoạt động, phát huy tinh thần tự chủ, tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo của các HTX, các xã viên. Nhân rộng những mô hình HTX hiệu quả.
“Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ, phát biểu tại Đại hội Liên minh HTX, tôi đã đề nghị các đồng chí nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ một kế hoạch hành động để khuyến khích các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả. Việc này không thể tiếp tục chậm trễ”, Thủ tướng nói.
Trên cơ sở báo cáo tổng kết, những kiến nghị, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và HTX tại Hội nghị, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và các cơ quan liên quan tổng hợp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ.