Lễ Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người có ý nghĩa rất đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai.
Lễ Ban Sóc được tổ chức thực sự quy mô là vào đầu triều Minh Mạng. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức lễ Ban Sóc dưới sự điều hành của hai viên ở bộ Lễ và Khâm Thiên Giám. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng, lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng.
Tái Hiện lễ Ban Sóc sau 180 năm - Ảnh: VOV |
Lễ Ban Sóc trước đây vốn được tổ chức ở sân điện Thái Hòa. Tuy nhiên, bắt đầu vào năm Tân Sửu 1841, lần đầu tiên, lễ Ban Sóc được vua Minh Mạng chỉ dụ thực hiện ở Ngọ Môn, vì việc ban lịch không chỉ dành cho triều đình sử dụng mà được ban ra đến tận thần dân và để khác với các nghi tiết đại triều khác được tổ chức ở điện Thái Hòa.
Cảnh phát lịch cho các quan dưới triều nhà Nguyễn - Ảnh: Báo Văn hóa |
Cùng ngày, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức khai trương Không gian Ngọ Môn và đón các đoàn khách tham quan đầu năm 2021. Từ năm 2012 đến 2019 (gồm 2 giai đoạn), di tích Ngọ Môn đã được trùng tu tổng thể với kinh phí hơn 80 tỷ đồng. Đến nay, di tích này đã được phục hồi toàn diện. Trong thời gian tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu tái hiện lại những sự kiện có ý nghĩa gắn liền với công trình di tích này dưới triều Nguyễn, như: Lễ Truyền lô (kết hợp với tuyên dương các học sinh tiêu biểu), Lễ Ban sóc và kết hợp các cuộc triển lãm chuyên đề…