Bác sĩ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba (Hà Nội) cho biết, bệnh nhân nam 57 tuổi nhập viện trong tình trạng khó nói, không ăn uống được, được chẩn đoán bị ung thư lưỡi đã xâm lấn. Niêm mạc sàn miệng trái, tuyến dưới hàm trái, nửa lưỡi trái bệnh nhân đều có tổn thương.
Cách đây một tháng, bệnh nhân thấy lưỡi có vết loét nên đi khám, điều trị nhưng không đỡ. Chẩn đoán ban đầu bệnh nhân chỉ nhiệt miệng thông thường, không ngờ sau đó vết loét lan rộng, ăn hết nửa lưỡi trái và lan ra sàn miệng.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ tái tạo lưỡi thành công (Ảnh minh họa)
Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ lưỡi trái đến tận gốc lưỡi dài khoảng 20 cm; nạo vét sàn miệng, hạch cổ, hạch hàm. Ê kíp mổ đã lấy vạt da và cơ vùng đùi ngoài của bệnh nhân để tạo hình lưỡi, che phủ sàn miệng bằng phương pháp nối vi phẫu. Ca mổ song song kéo dài 9 tiếng.
Sau hơn một tuần được nối vi phẫu, phần lưỡi mới của bệnh nhân đã sống, hồng hào. Sau khi phục hồi hoàn toàn bệnh nhân có thể nuốt, nói, ăn bình thường, cảm giác và vị giác tương đối tốt.
Ung thư lưỡi bắt đầu từ vết loét nhỏ, hơi ê, đau, không chịu lành sau khoảng một tuần. Tại nước ta hiện nay các bệnh viện mới chỉ chú ý đến điều trị mà ít quan tâm tạo hình lại lưỡi cho bệnh nhân. Phần lớn bệnh nhân ung thư lưỡi phải chấp nhận khuyết thiếu lưỡi, khó ăn, khó nói.
P.V