Vườn quốc gia Cúc Phương là nơi đầu tiên của Việt Nam có kinh nghiệm lâu năm về công tác cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã, được cộng đồng trong nước cũng như quốc tế ghi nhận.
Với sự chung tay của các tổ chức trong nước, quốc tế; các chuyên gia, kỹ thuật viên, tình nguyện viên và đặc biệt là nhiều cá nhân yêu động vật đã và đang làm thay đổi nhận thức của cộng đồng xã hội, góp phần vào việc cứu nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng, giữ được sự đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái tự nhiên.
Lực lượng chức năng vận chuyển các thùng đựng động vật vào bãi thả. |
Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương, cho biết: “Ngay từ những ngày đầu thành lập từ năm 1962, song song với việc phát triển rừng và bảo vệ rừng, chúng tôi đã triển khai công tác bảo tồn động vật quý hiếm, công tác bảo tồn động vật quý hiếm được phát triển mạnh nhất từ những năm 90 trở lại đây. Hằng năm Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận chăm sóc và tái thả hàng trăm loài và hàng nghìn cá thể động vật”.
Mỗi năm, Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp nhận khoảng 500-700 cá thể động vật hoang dã để chăm sóc, tái thả về thiên nhiên. Con số này tăng mạnh từ 2 năm trở lại đây.
Vườn Quốc gia Cúc Phương dự kiến sẽ cho phép khách du lịch cùng tham gia tái thả động vật hoang dã vào thiên nhiên trong thời gian tới với mong muốn du khách sẽ trở thành “sứ giả” giúp Cúc Phương lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa thông điệp bảo tồn thiên nhiên.
Ngày 20/3 là lần đầu tiên người dân và du khách được trực tiếp tham gia vào quá trình tái thả. Một trải nghiệm rất đặc biệt và rất nhân văn nhân “Ngày Quốc tế Hạnh phúc” 20/3 và “Ngày Quốc tế về Rừng” năm 2021 với chủ đề “Khôi phục rừng: Con đường dẫn tới khôi phục kinh tế và hạnh phúc”.
Có 92 cá thể động vật thuộc 17 loài được thả trong đợt này. |
Tuy nhiên, không phải loài nào người dân và du khách cũng có thể được cùng tái thả. Ví dụ, khu vực tái thả trăn và rắn hổ chúa, phải hạn chế tối đa người bởi rất nguy hiểm. Theo đại diện Ban Quản lý rừng Cúc Phương, tỷ lệ tái thả thành công, hoà nhập được với môi trường rừng tự nhiên của các cá thể này lên tới 95-98%.
Rừng Cúc Phương có 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, gần 2.000 loài côn trùng, 117 loài thú (trong đó có voọc đen mông trắng là thú linh trưởng quý hiếm, được chọn làm biểu tượng của nơi đây).
Trong đợt này, có gần 60 cá thể chim như cu ngói, cu gáy, chim khuyên, chào mào, chim di cũng được thả về rừng. Ngoài ra, Vườn quốc gia Cúc Phương có hơn 300 loài chim cư trú, đặc biệt có nhiều loài đặc hữu của Việt Nam và Đông Dương.