“Ngoài việc đặt tên cho căn bệnh (là Covid-19), WHO cũng ngầm nhắc nhở những bên đã gắn virus với Vũ Hán hay Trung Quốc trong khi đưa tin - bao gồm tạp chí Nature. Việc chúng tôi làm vậy là lỗi của chúng tôi, và chúng tôi nhận trách nhiệm và xin lỗi”, tạp chí này viết trong một bài đăng ngày 7/4.
“Trong nhiều năm, việc các virus gắn với tên địa danh, khu vực, nơi bùng phát đầu tiên - như hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), hay Zika (đặt tên theo một khu rừng ở Uganda) - là phổ biến. Nhưng năm 2015, WHO đưa ra hướng dẫn dừng việc đặt tên như vậy để giảm sự kỳ thị và ảnh hưởng tiêu cực như sợ hãi và giận dữ hướng vào cư dân hoặc khu vực đó”, theo bài viết.
Sự kỳ thị từ việc gọi tên virus có “ảnh hưởng đáng lo ngại” đối với các sinh viên từ Trung Quốc và các nước châu Á, “ảnh hưởng tới sự đa dạng trong cộng đồng sinh viên và sự đa dạng về quan điểm trong học thuật”, theo Nature.
Kể từ khi dịch bệnh khởi phát cuối năm ngoái, số vụ kỳ thị người gốc châu Á trên thế giới đã tăng trên thế giới.
Bắc Kinh đã phản đối mạnh mẽ việc gọi tên liên hệ giữa Covid-19 và Trung Quốc.
Nhưng Tổng thống Trump lại thường xuyên gọi “virus Trung Quốc” trước khi quyết định dừng dùng tên đó. Nghị sĩ Eduardo Bolsonaro, con trai của Tổng thống Jair Bolsonaro, từng nói dịch bệnh là lỗi của Trung Quốc.
“Trong khi các nước đang vật lộn để kiềm chế virus corona, một số nhỏ chính khách vẫn giữ các cách nói cũ... Việc tiếp tục gắn virus và dịch bệnh với nơi cụ thể là vô trách nhiệm và cần phải dừng lại”, Nature viết.