Bức ảnh đầu tiên do Hằng Nga-4 ghi lại đã gửi về Trái đất |
Theo tờ Mirror, cuộc đổ bộ lần này giúp vén bức màn bí ẩn về mặt tối của Mặt trăng và mở ra một chương mới cho ngành du hành vũ trụ Trung Quốc.
Tàu vũ trụ thăm dò Mặt trăng Chang’e-4 hay còn được biết đến với tên gọi Hằng Nga-4 đã tiếp đất Mặt trăng thành công vào lúc 10h26' sáng theo giờ địa phương.
Zhu Menghua, giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Macau cho biết thành công của sứ mệnh là một cột mốc quan trọng đối với đất nước, như một nhà tiên phong trong khám phá vũ trụ nhân loại.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) cho hay tàu thăm dò Hằng Nga-4 đã hạ cánh trong lưu vực Nam Cực-Aitken chưa từng được khám phá. Đây là miệng núi lửa lớn nhất, lâu đời nhất, sâu nhất trên bề mặt Mặt trăng.
Nhiệm vụ này nhằm mục đích thực hiện các phép đo chi tiết về địa hình và thành phần khoáng sản của Mặt trăng. Khu vực Aitken được hình thành trong một vụ va chạm khổng lồ từ rất sớm trong lịch sử của Mặt trăng.
"Mặt tối" của Mặt trăng là mặt không bao giờ hướng về Trái Đất, do Mặt Trăng tự quay quanh trục với tốc độ tương đương khi nó bay với quỹ đạo quanh Trái Đất. Tàu vũ trụ trước đây đã nhìn thấy mặt tối của Mặt trăng nhưng chưa có tàu nào đáp xuống khu vực này.
Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc cũng cho biết quốc gia này hy vọng sẽ khám phá các vùng cực của Mặt trăng vào năm 2030.
Các nhà nghiên cứu hy vọng sứ mệnh đến Nam Cực sẽ cung cấp thông tin mới về tuổi và thành phần của đất Mặt trăng. Trong khi đó, nhiệm vụ đến Bắc Cực nhằm tiết lộ liệu băng nước có tồn tại trên Mặt trăng hay không.
Li Guoping, giám đốc Bộ phận hệ thống kỹ thuật tại CNSA cho biết Trung Quốc cũng có thể thiết lập một căn cứ Mặt trăng vĩnh viễn để hỗ trợ các sứ mệnh trong tương lai,.