Quan điểm trên được ông Nguyễn Vĩnh Trân – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc MIKGroup đưa ra khi bình luận về tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng ở Phú Quốc trong bối cảnh Chính phủ và Quốc hội vẫn chưa thông qua đề án thành lập đặc khu kinh tế tại đảo ngọc này.
Ông Trân nói: - Như các bạn đã biết, Việt Nam có đường bờ biển dài hàng nghìn km, bên cạnh một số khu vực, địa điểm đã nổi tiếng trong và ngoài nước thì hiện vẫn có nhiều địa điểm tiềm năng khác chưa khai thác đến.
Chính vì vậy, chúng tôi rất tin tưởng về tiềm năng của bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam nói chung và Phú Quốc nói riêng. Trong đó, riêng Phú Quốc, trong 3 - 4 năm trở lại đây phát triển khá mạnh cả về khách sạn và các dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm. Có nhiều công trình, dịch vụ đẳng cấp được các doanh nghiệp đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, tôi thấy vẫn cần có thêm một số dịch vụ đi kèm.
MIKGroup cũng đang cân nhắc các sản phẩm dịch vụ đi kèm cho dự án Mövenpick Resort Waverly Phú Quốc của chúng tôi tại Phú Quốc vì thực tế các sản phẩm tầm cao cấp hơn vẫn khá hạn chế.
- Tiềm năng là vậy nhưng tại sao du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam vẫn đi sau một số nước trong khu vực, thưa ông?
Thực tế này bao gồm rất nhiều yếu tố, song nếu xem lại sự tăng trưởng của Việt Nam so với Thái Lan ở giai đoạn ban đầu mở cửa phát triển du lịch thì phát triển du lịch của Việt Nam hiện nay đạt được ở mức cao hơn so với Thái Lan khi so sánh về thời điểm.
Theo tôi, đây là dấu hiệu khá tốt, nhưng chúng ta vẫn cần đầu tư nhiều hơn vào những hạng mục từ hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đến các công trình dịch vụ, bao gồm cả sân bay, bến bãi.
- Ông nói thiếu hạ tầng, dịch vụ, các dự án…nhưng có ý kiến cho rằng, bất động sản du lịch của Việt Nam có dấu hiệu dư thừa nguồn cung?
Tôi cho rằng, nếu nhìn vào dân số gần 100 triệu dân và với hệ thống nghỉ dưỡng trên cả nước hiện nay cũng chưa phải là nhiều.
Cái cần lo chính là hạ tầng đi kèm để đáp ứng được nhu cầu đó. Bạn cũng dễ nhận thấy các kỳ nghỉ lễ vừa qua, điểm du lịch nào cũng đông nghịt người dân trong nước và họ cũng không quan ngại về giá cả để được đến những nơi mà họ mong ước.
- Tại sao MIKGroup lại chọn Phú Quốc để đầu tư thay vì các điểm du lịch khác như Nha Trang, Đà Nẵng…, thưa ông?
Như tôi đã nói, Phú Quốc có một tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch, là một hòn ngọc thực sự của Việt Nam. Không chỉ khách nước ngoài muốn mà ngay cả khách trong nước ai cũng khao khát một lần được đến Phú Quốc.
Đặc biệt, chúng tôi nhận thấy tiềm năng từ nguồn khách trong nước rất cao, thậm chí cao hơn khách quốc tế. Khách du lịch Việt Nam nhiều khi lại chi tiêu cao hơn khách quốc tế. Bởi lẽ, hầu hết khách nước ngoài khi đến Việt Nam đều phải qua các công ty tour, nên phần lớn chi phí đã vào doanh thu, lợi nhuận của các công ty đó. Còn khách trong nước thì tự đi hoặc tour trong nước nên chi trả của họ rất lớn. Đây chính là tiềm năng thực sự.
Chúng ta có gần 100 triệu dân nên chỉ cần 5-7 triệu người đến Phú Quốc thì toàn bộ hệ thống khách sạn tại đây cũng đã tỷ lệ lấp đầy rất cao.
Chính vì vậy, về phía MIKGroup, việc hướng tới người Việt Nam và đầu tư để phục vụ cho người Việt là một tiêu chí quan trọng để chúng tôi phát triển các dự án ở Phú Quốc.
- Nhưng Phú Quốc là một hòn đảo tách biệt với đất liền, lại là địa điểm cũng khá mới. Nếu đầu tư vào đây cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro?
Đúng vậy, bởi một khi chúng ta đầu tư vào một nơi mới như vậy thì phải có tầm nhìn, chiến lược lâu dài, chứ nếu ngắn hạn thì các chủ đầu tư sẽ chọn Hà Nội hoặc Tp.HCM mà thôi. Nhưng chúng tôi rất tin tưởng vào tiềm năng của Phú Quốc, và mong muốn góp phần phát triển nơi đây trở thành điểm đến của khu vực và thế giới.
Tôi nghĩ, để khơi dậy được tiềm năng này thì cần phải có thời gian, và các chủ đầu tư đều có những tính toán cho lâu dài. Trong giai đoạn đầu, chúng tôi có thể dùng năng lực tài chính của mình nên vẫn có thể đáp ứng được những rủi ro của thị trường cho những dự án này.
- Trong trường hợp Phú Quốc không trở thành đặc khu kinh tế, liệu có ảnh hưởng đến giá trị đầu tư của các nhà đầu tư?
Đặc khu kinh tế là một chính sách của nhà nước, còn phía nhà đầu tư thì họ sẽ căn cứ vào đất đai, tài sản mà họ đang có tại Phú Quốc, căn cứ trên những tính toán ban đầu về lượng khách đến Phú Quốc.
Hai câu chuyện này hoàn toàn khác nhau. Nền tảng đầu tư của MIKGroup hiện nay được đặt trên tiềm năng về khách đến Phú Quốc. Hiện có rất nhiều tiềm năng tại đây vẫn chưa được khai thác. Chính vì vậy, MIKGroup khi quyết định đầu tư vào đây là căn cứ vào những yếu tố về tiềm năng đó, chứ không phải là trông chờ vào hai chữ “đặc khu”.
Tôi tin tưởng rằng, trở thành đặc khu hay không thì Phú Quốc vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển và sẽ là điểm đến du lịch có một không hai tại Việt Nam.
- Hiện đang có xu hướng nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam. MIKGroup có tính đến phương án bắt tay với các đối tác lớn?
Hiện nay ở Phú Quốc, với những tập đoàn bất động sản nói chung, khi có một cơ hội hợp tác thì luôn phải xem xét lại các yếu tố bởi cuối cùng phải đạt được win – win cho cả hai bên. Chúng tôi cũng vậy, không chỉ các dự án ở Phú Quốc mà đối với tất cả các dự án khác, nếu đem đến lợi ích win – win cho cả hai bên thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác.
- Nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, nghỉ dưỡng đã được MIKGroup chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
Việt Nam trong 10 năm vừa qua phát triển về bất động sản du lịch khá mạnh, nguồn nhân lực cũng được đào tạo tương đối bài bản. Nhưng với Phú Quốc thì đó là một thử thách khá lớn vì nơi này mới phát triển trong thời gian ngắn nên nhiều tập đoàn BĐS phải đưa nhân sự từ nơi khác đến đây. Việc này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Nhưng đây cũng chính là thử thách bởi những tập đoàn có khả năng tài chính vượt qua được những khó khăn ban đầu này thì mới có thể gặt hái được thành công từ chính những tiềm năng của Phú Quốc sau này.