Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã nghiên cứu, phân ra 2 loại trọng điểm xung yếu của các hệ thống đê điều theo mức độ xuống cấp.
Cụ thể, đê có trọng điểm xung yếu 1 là những đoạn đê thấp, bé, nền đất xấu, có dấu hiệu nứt, gãy, rò rỉ, dễ bị tràn và xảy ra sạt, trượt nguy hiểm nếu lũ dâng cao.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 3 khu vực được đánh giá là trọng điểm xung yếu 1 là Đê Nhật Tảo (trên tuyến đê Hồng Hà 1), cống Hải Thịnh (trên địa bàn huyện Tiền Hải thuộc tuyến đê biển số 5) và cống Tám Cửa (thuộc huyện Tiền Hải, tuyến đê biển số 6).
Trọng điểm xung yếu 2 là những khu vực đê có đặc điểm xuống cấp tương tự với trọng điểm xung yếu 1, nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Hiện Thái Bình đang có 40 tuyến đê được coi là trọng điểm xung yếu 2.
Hệ thống đê biển được cứng hóa góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra và tạo thuận lợi cho giao thông nông thôn. (Ảnh: Báo Thái Bình) |
Để đảm bảo an toàn và chủ động trong việc phòng chống thiên tai, bão lụt, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình yêu cầu địa phương phải chuẩn bị các phương án cứu hộ đê hợp lý với mỗi trọng điểm xung yếu.
Cụ thể, mỗi trọng điểm phải có tối thiểu 2.000 m3 đất dự trữ, 20.000 cái bao tải, 1.000 bó rào, cành cây, 1.000 cây tre hóa để kịp thời xử lý ngay khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, phải huy động số lượng vật tư nhiều hơn cho các đê nằm xa khu dân cư, không có cây chắn sóng.
Các phương án chuẩn bị cứu hộ đê này phải được hoàn thành trước ngày 30/5, theo yêu cầu của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình.