Hội nghị do Mỹ, Tây Ban Nha, Botswana và Bangladesh đồng chủ trì, có sự tham gia của hơn 20 quốc gia và tổ chức quốc tế, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm đẩy lùi đại dịch COVID-19 và tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó các mối đe dọa đối với sức khỏe con người trong tương lai.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Don Pradmudwinai đã chuyển tải 3 thông điệp của Thái Lan trong việc thúc đẩy đoàn kết và an ninh y tế toàn cầu: Thứ nhất, Thái Lan nỗ lực cải thiện sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng thông qua chương trình Bảo hiểm y tế toàn dân (UHC) để đảm bảo mọi người dân không bị phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Thứ hai, Thái Lan sử dụng mọi nguồn lực để thúc đẩy đào tạo và kêu gọi các bên liên quan tham gia công tác ngăn chặn đại dịch COVID-19, qua đó góp phần giải quyết tình trạng thiếu nhân lực y tế trên toàn cầu. Ông Don Pradmudwinai nêu bật 2 sáng kiến chính của Thái Lan, theo đó phối hợp với các nước láng giềng tổ chức đào tạo thêm các chuyên gia dịch tễ học và tình nguyện viên từ lao động nhập cư để giúp kiểm soát đại dịch; thành lập Trung tâm ASEAN ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi (ACPHEED), một tổ chức sẽ góp phần tăng cường năng lực khu vực để ngăn ngừa, chuẩn bị, phát hiện và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về y tế mới nổi.
Thông điệp thứ 3 là Thái Lan tái khẳng định cam kết tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng trong khi tiếp tục nỗ lực để đưa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đi đúng hướng. Ông Don Pradmudwinai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các kho dự trữ sản phẩm y tế, chú trọng tính bền vững thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo và tái chế chất thải.
Thái Lan khẳng định việc cải cách kiến trúc y tế toàn cầu sẽ góp phần thúc đẩy sự công bằng, toàn diện và gắn kết hơn, đặc biệt cần sớm hoàn tất một hiệp ước mới về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.