Theo ông Wetang Phuangsup, Tổng thư ký Ủy ban Kinh tế và Xã hội Số Quốc gia (ONDE), điểm nổi bật của “DE fence” là nền tảng này được kết nối với cơ sở dữ liệu của các nhà khai thác viễn thông để có được thông tin số mới nhất. Không chỉ vậy, nền tảng này còn được kết nối với cơ sở dữ liệu của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, Văn phòng Chống rửa tiền, Trung tâm AOC 1441 và Bộ DES.
Những kết nối này cho phép người nhận cuộc gọi xác định thông tin của người gọi, xác định họ có phải là kẻ lừa đảo hay không hoặc mức độ rủi ro về số điện thoại của người gọi là bao nhiêu. Bên cạnh đó, người dân còn có thể kiểm tra bất thường trong các liên kết được đính kèm vào tin nhắn SMS trước khi mở tin nhắn.
Ngoài ra, nền tảng còn cung cấp hệ thống báo cáo trực tuyến và hệ thống yêu cầu tịch thu tài khoản ngân hàng của tội phạm thông qua dịch vụ đường dây nóng AOC 1441, do đó cảnh sát có thể hành động ngay lập tức.
Ông Wetang lưu ý điểm khác biệt giữa “DE fence” và các ứng dụng chống lừa đảo và thư rác khác là “DE fence” có trao đổi toàn diện hơn về tất cả cơ sở dữ liệu tại địa phương, giúp xử lý lừa đảo hiệu quả. Quan trọng hơn, “DE fence” có thể cảnh báo người dùng về việc cuộc gọi đến được thực hiện qua Internet hay hộp thẻ SIM. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng quyết định có từ chối cuộc gọi hay không.
Chi phí phát triển nền tảng “DE fence” vào khoảng 40 triệu baht (1,1 triệu USD) và được tài trợ từ ngân sách của ONDE. Hiện nền tảng đang được một nhóm các quan chức nhà nước thử nghiệm. “DE fence” sẽ có sẵn thông qua bản tải xuống miễn phí sau khi thời gian dùng thử hoàn tất thành công.
Trong khi đó, DES cho biết đang đàm phán với Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử để xem liệu họ có cân nhắc biến nền tảng này thành ứng dụng được cài đặt sẵn cho điện thoại di động và có sẵn trên toàn quốc hay không.
Theo Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan, từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024, người dân đã báo cáo trực tuyến 330.000 vụ lừa đảo công nghệ, gây thiệt hại tổng cộng 37 tỷ baht.