Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh đã khảo sát, khoanh vùng 4.500 ha rừng/tổng diện tích 33.000 ha rừng trên địa bàn có nguy cơ cháy cao trong dịp trước, trong và sau Tết Mậu Tuất. Để bảo vệ rừng tận gốc, hạt đã tham mưu cho các xã vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao phát dọn, xử lý thực bì đốt trước có điều khiển để hạn chế vật liệu cháy.
Đồng thời, xác định nguyên nhân gây cháy, xây dựng phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (BVR&PCCCR) cụ thể, phù hợp thực tế. Ví như khu vực rừng Mậu Lâm (có đền Am Tiên và núi Nưa), do địa hình trên cao, độ dốc lớn rất có lợi cho phát sinh và lan nhanh của đám cháy, mà vật liệu cháy tập trung, tính chất của vật liệu cháy gần như đồng dạng, nguồn sinh nhiệt luôn thường trực, khả năng bén lửa nhanh và tốc độ lan tràn của đám cháy lớn, hạt kiểm lâm đã chủ động thực hiện một số giải pháp đồng bộ như tuyên truyền trực tiếp tại thực địa để người dân trong xã và khách thập phương chủ động BVR&PCCCR, chấp hành quy định không sử dụng lửa bừa bãi trong và ngoài khu vực đền, xử lý thực bì sản xuất theo quy định, trước khi xử lý thực bì phải báo cáo chính quyền và kiểm lâm; đốt trước vật liệu cháy tạo thành các đường băng trắng cản lửa.
Hệ thống đường băng này, sau khi được hình thành kết hợp với các chướng ngại vật tự nhiên góp phần không nhỏ trong ngăn cản sự lan tràn của đám cháy, tạo điều kiện cho các lực lượng ứng cứu kịp thời, hiệu quả và giảm đến mức thấp nhất hậu quả nếu cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, hạt kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền các cấp trên địa bàn rà soát, bổ sung phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”; phối hợp với các địa phương, ngành, đoàn thể, trường học bằng nhiều hình thức tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các quy định về PCCCR, hậu quả cháy rừng và phát động cộng đồng dân cư xây dựng mô hình quản lý nguồn lửa đảm bảo an toàn trong và ven rừng,...
Theo Báo Thanh Hóa