Ngày 13/3, tại cuộc họp về các phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Giao thông thành lập tổ tư vấn gồm những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực liên quan để cùng nhau thảo luận, lựa chọn phương án phù hợp nhất để trình Thủ tướng.
Theo ông Dũng, đây là công trình quan trọng quốc gia, do đó tiêu chí lựa chọn đầu tiên phải là hợp lý về công năng và hiệu quả sử dụng. Tiếp theo, công trình này phải đảm bảo các tiêu chí như chi phí thấp, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường...
Phó thủ tướng cho rằng cả 3 phương án vào “chung kết” và 6 phương án khác đều là những ý tưởng tốt, mỗi phương án có thế mạnh cũng như hạn chế riêng. Do đó, việc lựa chọn phương án nào cần được thực hiện thận trọng, không gượng ép. Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng đề nghị không quá cầu toàn, tránh việc tranh luận quá dài mà không đạt được đồng thuận.
“Trong vòng 10 ngày, tổ tư vấn có báo cáo chi tiết về quá trình thảo luận, cũng như đề xuất phương án tối ưu nhất. Trên cơ sở đó, Thủ tướng sẽ quyết định cuối cùng”, Phó thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Bộ Giao thông đã báo cáo 9 phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành, trong đó Hội đồng đánh giá xếp hạng do Bộ trưởng Giao thông làm chủ tịch đánh giá 3 phương án tốt nhất là 3, 4 và 7.
Phương án 3 với ý tưởng thiết kế nhà ga hành khách hình hoa sen. |
Phương án 3 do liên danh của Hàn Quốc đề xuất được hội đồng đánh giá xếp hạng 2 (đạt 955/1000 điểm), lấy ý tưởng từ hình ảnh bông hoa sen cách điệu. Phương án này được đánh giá là hiện đại, màu sắc sử dụng cho các không gian hài hoà, tinh tế, có điểm nhấn. Nhược điểm là khó khăn trong tính toán hệ kèo mái cho quá trình thi công và làm tăng giá thành. Bên cạnh đó, hình dáng cách điệu hoa sen bị tác giả “ép” vào phần mái nhà ga nên chưa được mềm mại và thể hiện rõ nét hình ảnh hoa sen trên thực tế.
Phương án 4 đạt 945/1000 điểm, do liên danh của Nhật Bản, Pháp đề xuất có điểm nhấn nội thất, phần ngoại thất mái nhà ga sử dụng đơn giản, thuận tiện cho xây dựng, bảo dưỡng. Ý tưởng nội thất chính của tác giả là sử dụng vật liệu tre được thiết kế thành hệ kết cấu đan kết để áp dụng cho toàn bộ các không gian chính của nhà ga.
Hạn chế của phương án này là phần ngoại thất đơn giản, không đa dạng, đồng thời do chưa có công trình sử dụng kết cấu tre tương tự tại Việt Nam, nên cần phải được nghiên cứu kỹ về độ bền và tuổi thọ của vật liệu, nguồn cung vật liệu với khối lượng rất lớn.