Gà rán phủ hạt tiêu Tứ Xuyên xay, ớt chuông xào dầu nóng, sau đó Wang Xueli trộn tất cả vào một chảo và phủ lên trên là ớt và ngò. Đầu bếp 22 tuổi này cẩn thận bày thức ăn ra đĩa rồi rắc một ít mè lên trên. Món gà bỏng ngô cay Tứ Xuyên nổi tiếng đã sẵn sàng phục vụ.
Wang, người hiện sống ở Tô Châu (tỉnh Giang Tô), vừa nấu xong một món đặc sản quê mình, không phải để xoa dịu nỗi nhớ nhà, mà để phục vụ cho những thực khách đặc biệt, những người thuê cô nấu ăn trong bếp của họ. Wang không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp.
Ở các thành phố lớn của Trung Quốc, việc thuê những đầu bếp tại gia như Wang đang ngày càng trở nên phổ biến. Trên nền tảng phong cách sống Xiaohongshu, các bài đăng về dịch vụ này đã nhận được gần 35 triệu lượt xem.
Xu hướng này là một ví dụ về “nền kinh tế lười biếng”, được thúc đẩy bởi việc giới trẻ Trung Quốc theo đuổi sự tiện lợi dưới hình thức dịch vụ tại nhà theo yêu cầu từ đầu bếp riêng đến nhân viên mát xa.
Số lượt tìm kiếm dịch vụ đầu bếp tại gia đã tăng 533% trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái, theo dữ liệu từ nền tảng giao đồ ăn Meituan.
“Dịch vụ này thực sự rất nổi tiếng”, Wang cho biết. “Nhiều người đang liên hệ với tôi, nhưng tôi không thể kham nổi nữa".
Một trong những bài đăng trên tài khoản Xiaohongshu của Wang có hơn 10.000 lượt xem.
Khách hàng thường tự chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ nấu ăn. Trong khi đó, Wang chỉ phải nấu ăn, cô tính phí 48 nhân dân tệ (6,58 USD) cho một bữa ăn ba món. Tám món ăn có giá dưới 100 nhân dân tệ. Cô sẽ rời đi ngay sau khi nấu xong.
Wang bắt đầu làm đầu bếp riêng bán thời gian vào cuối tuần vào cuối tháng 8. Cô làm việc này ban đầu để giảm bớt căng thẳng hơn là vì tiền. Wang đặc biệt thích nấu những món đặc sản của Tứ Xuyên.
Không giống như Wang, Wei Maimai không phải là một đầu bếp nghiệp dư. Cô gái 23 tuổi này từng là thợ bánh, nhưng đã chuyển sang làm đầu bếp tại gia kể từ tháng 6. Wei hiện đang làm công việc này toàn thời gian sau khi nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng trên mạng xã hội.
Trung bình mỗi ngày, Wei nhận 3 đơn đặt hàng, cô thường bắt đầu một ngày làm việc từ buổi trưa và kết thúc trước 6 giờ chiều. Thu nhập đủ để trang trải chi phí sinh hoạt tại Thâm Quyến, một trong những thành phố đắt đỏ nhất nước. Wei có sở trường nấu các món Quảng Đông.
Theo Wei, hầu hết khách hàng của cô là nhân viên công sở từ 25 đến 35 tuổi hoặc phụ nữ mang thai. Nhiều người không có khiếu nấu nướng hoặc có ít thời gian nhưng vẫn muốn một bữa ăn nhà làm với nguyên liệu họ tự mua thay vì gọi đồ ăn mang về.
Mặc dù đồ ăn mang về ở Trung Quốc cực kỳ phổ biến, nhưng chúng cũng thường có hàm lượng muối cao. Cũng đã có tranh cãi trong những tuần gần đây về việc sử dụng thực phẩm làm sẵn trong các nhà hàng và trường học, với ước tính rằng 70% giao hàng mang đi đã được làm sẵn.
Trong khi nhu cầu thuê đầu bếp tại gia đang phổ biến tại những thành phố lớn như Thâm Quyến và Tô Châu, thì tình hình lại không mấy khả quan tại các đô thị nhỏ.
Sau khi tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh thương mại vào đầu năm nay, Deng Yiping đang làm đầu bếp tại gia bán thời gian sau khi chật vật tìm một công việc lương cao ở quê nhà Nam Xương (tỉnh Giang Tây).
“Đơn hàng của tôi rất không ổn định, có khi cả tháng tôi không nhận được đơn hàng nào. Vì vậy, tôi nghĩ công việc này không thể là một lựa chọn lâu dài”, Deng nói. “Nhưng thị trường ở Nam Xương có thể nhỏ. Ngành này đang dần phát triển ở các thành phố khác, có thể mang lại cơ hội việc làm mới cho sinh viên vừa tốt nghiệp đại học".
Để giảm bớt tình trạng thất nghiệp, chính phủ Trung Quốc đang khuyến khích người trẻ đảm nhận các công việc tự do. Một báo cáo được công bố vào tháng 9 bởi nền tảng tuyển dụng hàng đầu Zhilian Zhaopin và Đại học Tế Nam cho thấy ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học đang tìm kiếm “việc làm linh hoạt”, bao gồm cả lái xe giao hàng và bán hàng trực tuyến.
Đối với Deng, tính linh hoạt của công việc đầu bếp tại gia là một điểm cộng. Khối lượng công việc tùy thuộc vào tâm trạng của cô, nếu muốn thư giãn vào cuối tuần, Deng có thể từ chối nhận đơn hàng.
Tuy nhiên, là một ngành mới nổi, dịch vụ đầu bếp tư nhân vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Deng không ký hợp đồng với khách hàng hay thậm chí không yêu cầu họ đặt cọc trước. Khi khách hàng hủy đơn hàng vào phút chót, cô chắc chắn không được bồi thường. Luật pháp Trung Quốc cũng yêu cầu những người kinh doanh thực phẩm phải được cấp phép, nhưng các đầu bếp tại gia và khách hàng của họ thường bỏ qua yêu cầu này.
Ngoài ra, nữ đầu bếp cũng có nguy cơ bị lạm dụng. Vì lý do này, Wang thường chọn những khách hàng là cặp đôi hoặc gia đình hơn là những người đàn ông sống một mình. “Trước khi đến nhà một người đàn ông để nấu ăn, tôi sẽ nói cho bạn tôi biết mình sẽ đi đâu và đại khái là khi nào tôi sẽ xong việc. Nếu lúc đó họ không nhận được tin tức gì từ tôi, họ sẽ gọi cảnh sát”, cô nói.
Những lo ngại này đã bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà chức trách.
Vào tháng 9, chính quyền Thượng Hải đã đệ trình đề xuất nhằm quản lý ngành nghề mới nổi này, bao gồm siết chặt các tiêu chuẩn.
Wang hoan nghênh những nỗ lực kiểm soát của chính quyền, đặc biệt là liên quan đến an toàn thực phẩm và trách nhiệm của đầu bếp. Cô dự định sẽ tiếp tục công việc này trong thời gian tới.
“Trở thành một đầu bếp tại gia rất có ý nghĩa và có thể giúp tôi tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Tôi thích vào bếp của ai đó để nấu ăn, vì mỗi bếp có kích thước và đồ dùng khác nhau. Cảm giác giống như việc mở một hộp quà vậy”, cô nói.