Thắt chặt quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam – Lào

0:00 / 0:00
0:00
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước CHDCND Lào sẽ thăm chính thức nước CHXHCN Việt Nam từ ngày 6-8/12/2021.
Thắt chặt quan hệ hợp tác nghị viện Việt Nam – Lào

Việc ông Saysomphone Phomvihane chọn Việt Nam là nước công du đầu tiên sau khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào một lần nữa thể hiện tính chất đặc biệt của đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước, cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của hai Đảng, hai Nhà nước trong việc duy trì đà phát triển quan hệ song phương. Vì vậy, đây là chuyến thăm có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc hội, mà còn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam anh em.

Là hai nước láng giềng thân thiết, núi liền núi, sông liền sông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng uống chung dòng nước Mekong, quan hệ đặc biệt Việt Nam và Lào do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong kính yêu xây dựng và dày công vun đắp, được các thế hệ lãnh đạo, chiến sỹ cách mạng và nhân dân hai nước ra sức gìn giữ và phát triển, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng hiếm có trên thế giới. Sự gắn bó từ lâu đời không chỉ giúp quan hệ chính trị giữa Việt Nam-Lào ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và tạo sự tin cậy lẫn nhau, đảm bảo vai trò, quy định hướng đi chung cho quan hệ của hai nước, mà còn tạo điều kiện để quan hệ hợp tác gắn bó giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trong mọi lĩnh vực.

Đồng hành với xu hướng phát triển chung của quan hệ giữa hai nước Lào – Việt Nam, trong những năm qua, hợp tác giữa quốc hội hai nước đạt được rất nhiều kết quả tốt đẹp, ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao; tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm trong công tác lập pháp; thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát việc hai chính phủ tổ chức thực hiện các hiệp định, hiệp ước, thỏa thuận và các dự án hợp tác đã ký kết nhằm đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho người dân hai nước; đồng chủ trì tổ chức thành công các lễ kỷ niệm Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào tại tỉnh Sơn La trong năm 2012 và năm 2017… Bên cạnh đó, quốc hội hai nước cũng luôn phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế.

Trong thời gian gần đây, mặc dù đại dịch COVID – 19 gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, quan hệ hợp tác giữa quốc hội hai nước vẫn hết sức chặt chẽ và ngày càng thiết thực. Trong đó nổi bật nhất là việc Quốc hội Việt Nam đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ Quốc hội Lào trong việc tổ chức thực hiện, theo dõi và kiểm tra Dự án xây dựng Tòa nhà Quốc hội mới của Lào - quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào.

Với kinh phí đầu tư trên 111 triệu USD, Tòa nhà Quốc hội mới của Lào được lấy cảm hứng từ lá Quốc kỳ hiện tại của đất nước Triệu Voi. Sau gần 38 tháng thi công, vượt qua thời tiết khắc nghiệt nắng nóng, mưa nhiều, đặc biệt là những khó khăn tưởng chừng không vượt nổi do đại dịch COVID – 19 gây ra, Tòa nhà Quốc hội mới của Lào đã chính thức được bàn giao vào tháng 8/2021 với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị-đối ngoại, là sự tiếp nối truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào trong giai đoạn mới, giai đoạn xây dựng và phát triển của cả hai nước và là một trong những biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai chính phủ, hai quốc hội và nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, Lào – Việt Nam.

Đây cũng là công trình được các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Lào đánh giá rất cao mỗi khi đến thăm, coi đây là tòa nhà đang giữ nhiều kỷ lục nhất tại Lào, không chỉ ở sự quy mô nhất, phức tạp nhất, hiện đại nhất, mà còn có nhiều hạng mục nhất và có kiến trúc đặc trưng văn hóa của Lào nhất cho tới nay. Như đánh giá của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith thì tòa nhà có 4 cái nhất "hiện đại nhất, hài hòa bản sắc dân tộc nhất, vững chắc nhất, có giá trị đầu tư lớn nhất". Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane nhận định đây vừa là biểu tượng đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân Lào, vừa là biểu tượng của tình đoàn kết trong sáng, là di sản quý báu của hai dân tộc Việt Nam-Lào truyền lại cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ Quốc hội Lào, Quốc hội Việt Nam cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng ngôn ngữ tiếng Việt, tổ chức tập huấn kỹ thuật – chuyên môn cho cán bộ trong việc quản lý vận hành Tòa nhà Quốc hội mới; đồng thời luôn quan tâm, hỗ trợ về phương tiện kỹ thuật điện tử cần thiết cho Quốc hội Lào trong từng thời kỳ.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Lào Saysomphone Phomvihane cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Lào lần này tới Việt Nam không chỉ tái khẳng định sự gắn bó, trước sau như một của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào, mà còn cho thấy quan hệ chặt chẽ giữa hai quốc hội Việt Nam - Lào đang tiếp tục được củng cố và ngày càng hiệu quả.

Bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: baochinhphu.vn
Xuất bản bộ sách 14 tập về lịch sử quân sự Việt Nam
(Ngày Nay) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sách Lịch sử quân sự Việt Nam của Viện Lịch sử quân sự nhằm tiếp tục truyền bá tri thức lịch sử quân sự dân tộc tới các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế. Đây là một trong những hoạt động hướng tới các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.