Theo Chương trình Môi trường LHQ (UNEP), tình trạng ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng, dự báo tốc độ tăng rác thải nhanh nhất ở các vùng hiện vẫn xử lý rác thải bằng cách đổ đống và đốt. Đây đều là những hành động làm tăng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng nguy cơ những chất hóa học độc hại xâm nhập vào đất, nguồn nước và không khí. Nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, khối lượng rác thải toàn cầu có thể lên đến 3,8 tỷ tấn, vượt xa các mức dự báo trước đó.
Nghiên cứu của UNEP cũng chỉ ra khối lượng rác kể trên kéo theo gánh nặng kinh tế cao gấp đôi, có thể lên đến 640 triệu USD vào năm 2050 (từ mức 361 triệu USD năm 2020). Con số này cũng đã tính tới những những "chi phí ẩn" liên quan việc xử lý rác kém hiệu quả dẫn tới ô nhiễm, suy giảm sức khỏe và biến đổi khí hậu.
Theo Giám đốc điều hành UNEP, Inger Andersen, tốc độ thải rác tỷ lệ thuận với tăng trưởng GDP và nhiều nước phát triển kinh tế nhanh chóng cũng đang phải chật vật vì gánh nặng từ lượng rác thải ngày càng tăng. Bà cho rằng báo cáo của UNEP có thể giúp các chính phủ trong thực hiện các nỗ lực kiến tạo những xã hội bền vững hơn và đảm bảo hành tinh "khỏe" cho các thế hệ sau.
Báo cáo do UNEP và Hiệp hội rác thải rắn (ISWA) phối hợp thực hiện, được công bố tại Hội đồng Môi trường LHQ diễn ra ở Nairobi. Theo ISWA, báo cáo vừa cung cấp hướng dẫn vừa kêu gọi hành động để tìm kiếm các giải pháp. Các giải pháp bao gồm giảm rác thải ngay từ đầu và cải thiện chất lượng các phương thức xử lý và phân loại rác. Nếu có các biện pháp hiệu quả, chi phí do rác thải gây ra trên toàn cầu mỗi năm có thể giảm xuống còn 270 tỷ USD vào năm 2050.
Thậm chí, LHQ lưu ý mục tiêu này có thể nâng cao hơn, bằng cách chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó phát triển kinh tế không đồng nghĩa là rác thải tăng. Có thể kể đến như việc áp dụng các thông lệ kinh doanh bền vững, quy trình xử lý rác thải hoàn thiện hơn, có thể mang về khoản thu ròng hơn 100 tỷ USD mỗi năm.
Theo tác giả chính của báo cáo, chuyên gia Zoe Lenkiewicz từ UNEP, những kết quả trên chỉ ra thế giới cần chuyển đổi khẩn cấp sang cách tiếp cận "không rác thải" trong khi cải thiện quy trình xử lý rác thải để tránh ô nhiễm nghiêm trọng, tránh thải khí gây hiệu ứng nhà kính và những tác động tiêu cực tới sức khỏe con người.