Với số tiền tiết kiệm trị giá 75 nghìn tỷ USD, thế hệ baby boomer (những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964, thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến II), đã giúp vực dậy nền kinh tế Mỹ với các hoạt động chi tiêu tiêu dùng.
Giờ đây, họ đang sử dụng một phần tài sản đó để khai thác thị trường nhà đất vốn đang gặp khó khăn tại quốc gia này.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, những người thuộc thế hệ này dường như hài lòng với việc “ở một chỗ và già đi.” Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ cho thấy 39% tổng số người mua nhà hiện nay thuộc thế hệ baby boomer.
Ngoài ra, những người này còn tránh việc phải trả lãi suất cao bằng cách trả hết bằng tiền mặt, và từ đó vượt lên vị trí hàng đầu trong danh sách khách hàng mua nhà. Nhìn chung, 34,1% giao dịch mua nhà ở Mỹ trong tháng 9 được thực hiện bằng tiền mặt, theo nền tảng bất động sản Redfin, tăng mạnh so với tỷ lệ từ 29,5% một năm trước đó và là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 2014.
Redfin cũng lưu ý rằng những người Mỹ giàu có sẽ có lợi thế hơn trên thị trường nhà ở hiện nay, và không có thế hệ nào giàu hơn thế hệ baby boomer.
Nhà kinh tế cấp cao Sheharyar Bokhari của Redfin cho biết: “Những người Mỹ giàu có là những người duy nhất có thể tránh được tác động của việc tăng lãi suất cho vay thế chấp. Ngoài ra, họ chi tiêu ít hơn và giữ được nhiều tiền hơn trong ngân hàng.”
Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), số người từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 18% dân số. Tuy nhiên, những người thuộc thế hệ baby boomer sở hữu khoảng một nửa tổng giá trị tài sản ròng ở Mỹ. Khoảng 24% trong số tài sản đó (19 nghìn tỷ USD) là ở bất động sản. Ngoài ra, họ có ít gánh nặng tài chính hơn thế hệ trẻ, như ít nợ cho vay tiêu dùng hơn và ít bị ảnh hưởng bởi việc thanh toán các khoản vay sinh viên hơn.
Tác động của việc sử dụng tài sản và vốn sở hữu bất động sản để mua nhà cũng có thể được nhận thấy bằng việc số người mua nhà lần đầu giảm.
Theo báo cáo trước đó của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ, vào tháng 11, những người mua nhà lần nữa (đã từng mua trước đây) chiếm khoảng 68% tổng số giao dịch mua. Kể từ năm 1981, tỷ lệ trung bình của nhóm này là 62%.
Ngoài ra, độ tuổi trung bình của người mua nhà nhiều lần trong năm nay là 68, độ tuổi đỉnh cao của thế hệ baby boomer (những người ở độ tuổi từ 59 đến 77)
Thậm chí, ngay cả khi không sử dụng lợi thế tiền mặt, thì họ vẫn có đủ khả năng để trả trước nhiều hơn, giúp giảm bớt gánh nặng của lãi suất cho vay thế chấp.
Theo Redfin, khoản trả trước trung bình cho một căn nhà theo số liệu của tháng 9 là 60.980 USD, tăng khoảng 15% so với một năm trước đó và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6 năm 2022.
Hơn nữa, theo Hiệp hội Môi giới Bất động sản Mỹ, mức trả trước trung bình của người mua nhiều lần là 19%, cao hơn rất nhiều so với chỉ 8% đối với người mua lần đầu.
Nếu những người thuộc thế hệ bùng nổ đang giành chiến thắng trên thị trường nhà ở thì chắc chắn sẽ có người thua cuộc. Và có vẻ như người thua cuộc là thế hệ Millennials.
Millennials, những người từ 26 đến 42 tuổi, đã bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính. Ngoài ra, họ đang phải đối mặt với một thị trường có lãi suất cao và hàng tồn kho thấp.
Vào năm 2022, thế hệ Millennials là thế hệ người mua nhà lớn nhất, chiếm 43% tổng số giao dịch mua nhà. Nhưng con số đó đã giảm xuống chỉ còn 28% trong năm nay.
Thế hệ Millennials, thường là những người mua nhà lần đầu, cũng đang tham gia thị trường mua nhà ở với độ tuổi cao hơn. Theo Bankrate, độ tuổi trung bình của những người mua nhà lần đầu hiện là 36, tăng từ 33 vào năm 2022. Điều này khiến cơ hội được sở hữu trà và tăng giá trị tài sản ròng của họ bị trì hoãn.
Mặt khác, việc mua nhà vào thời điểm này khiến những người thuộc thế hệ bùng nổ có một cơ hội hoàn hảo để gia tăng giá trị tài sản hơn nữa khi giá cả tiếp tục tăng lên.