Ủy ban trên cho biết sẽ điều tra môi trường học tập và chính sách kỷ luật tại Đại học Harvard, Đại học Pennsylvania và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ủy ban cho rằng các biện pháp mà các trường này thực hiện chưa đủ để giải quyết sự gia tăng các hành vi bài Do Thái trong môi trường trường học kể từ khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát hôm 7/10. Dự kiến, cuộc điều tra này có thể được mở rộng sang các trường đại học khác.
Người phát ngôn của MIT cho biết trường bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái dưới mọi hình thức và sẽ phối hợp với Ủy ban Giáo dục và Lực lượng lao động để giải tỏa những nghi vấn này.
Người phát ngôn của Đại học Harvard cũng tuyên bố trường này có "cam kết cao nhất" trong việc chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và sẽ chia sẻ thông tin với ủy ban trong cuộc điều tra. Trong khi đó, đại diện Đại học Pennsylvania chưa đưa ra bình luận gì.
Trước đó, tại phiên điều trần hôm 5/12, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefanik đã chất vấn lãnh đạo của ba trường trên, hỏi họ rằng liệu lời kêu gọi của nhiều nhóm sinh viên phản đối Israel và chống lại người Do Thái có vi phạm quy tắc ứng xử liên quan đến hành vi bắt nạt và quấy rối ở các trường này hay không. Tuy nhiên, phía lãnh đạo các trường này đã không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.
Sau khi xung đột Hamas-Israel nổ ra cách đây hai tháng, các cuộc biểu tình hay hoạt động bài Do Thái và bài Hồi giáo, trong đó có cả hành vi bạo lực, đã gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Mỹ, khiến các nước phải triển khai những biện pháp nhằm đảm bảo an ninh và bảo vệ an toàn cho người dân.