Thế hệ thứ hai của gia đình Shinawatra tranh cử Thủ tướng Thái Lan

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Từng chứng kiến cha và cô ruột bị lật đổ quyền lực sau các cuộc đảo chính quân sự, Paetongtarn Shinawatra đã trở thành thành viên tiếp theo của gia đình Shinawatra đứng ra tranh cử chức vụ Thủ tướng Thái Lan.
Bà Paetongtarn Shinawatra đang là thế hệ thứ hai của gia đình tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: CNN
Bà Paetongtarn Shinawatra đang là thế hệ thứ hai của gia đình tranh cử chức Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: CNN

Thứ Tư tuần này, đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã công bố bà Paetongtarn Shinawatra, 36 tuổi, là một trong ba ứng cử viên thủ tướng cho cuộc bầu cử vào tháng 5 sắp tới, cùng với ông trùm bất động sản Srettha Thavisin và cựu Bộ trưởng Tư pháp Chaikasem Nitisiri.

Quyết định này đặt ra khả năng xảy ra một cuộc đối đầu hấp dẫn giữa ứng viên Paetongtarn Shinawatra trẻ tuổi và Thủ tướng đương nhiệm của Thái Lan Prayut Chan-o-cha, cựu chỉ huy quân đội, người vào năm 2014 đã tiếp quản chính quyền của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Trong chiến dịch vận động tranh cử, bà Paetongtarn không ngần ngại nhắc nhở các cử tri về quá khứ.

“Chúng tôi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhưng cũng phải đối mặt với các cuộc đảo chính quân sự”, bà Paetongtarn phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ mặc áo đỏ, màu đặc trưng của đảng Pheu Thai, tại một cuộc vận động tranh cử tuần này. “Chúng ta sẽ cùng nhau mang lại nền dân chủ, sự thịnh vượng cho quốc gia và người dân vốn đã bị tước đoạt gần một thập kỷ. Người Thái đã phải chịu đựng rất nhiều. Chúng tôi không muốn một cuộc đảo chính khác".

Để đạt được mục tiêu đó, đảng Pheu Thai dường như đang đi theo một kế hoạch quen thuộc, vạch ra các loại chính sách dân túy khiến cha của Paetongtarn, ông Thaksin Shinawatra, trở thành một thế lực đáng gờm. Trong số những lời hứa của Paetongtarn bao gồm tăng gấp đôi mức lương tối thiểu, mở rộng chính sách chăm sóc sức khỏe và cắt giảm giá vé giao thông công cộng.

Thế hệ thứ hai của gia đình Shinawatra tranh cử Thủ tướng Thái Lan ảnh 1

Bà Paetongtarn Shinawatra chụp ảnh cùng người cha Thaksin Shinawatra và mẹ trong ngày tốt nghiệp năm 2008. Ảnh: CNN

Với nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau đại dịch đã tàn phá ngành du lịch quan trọng của Thái Lan, những cam kết đó cùng với lời kêu gọi dân chủ có thể chứng minh người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu, với các cuộc thăm dò ban đầu cho thấy bà Paetongtarn là người dẫn đầu.

Cuộc bầu cử vào tháng 5 sắp tới sẽ là lần đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ do thanh niên lãnh đạo vào năm 2020 đưa ra những yêu cầu chưa từng có nhằm kiềm chế quyền lực của cả chế độ quân chủ và quân đội.

Ở Thái Lan, nơi chế độ quân chủ được tôn kính sâu sắc và xúc phạm nhà vua là một tội có thể bị phạt tù nhiều năm, những lời kêu gọi như vậy đã phá vỡ những điều cấm kỵ lâu nay và làm rúng động xã hội.

Tuy nhiên, đảng Pheu Thai đang phải đối mặt với một trở ngại lớn hơn là chỉ giành được nhiều phiếu bầu nhất từ ​​công chúng. Các đảng chính trị liên minh với ông Thaksin đã giành được nhiều ghế nhất trong mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2001, nhưng vẫn phải tìm cách thỏa hiệp với quyền lực từ phía quân đội.

Cuộc bầu cử năm nay sẽ chứng kiến khoảng 52 triệu cử tri hợp lệ bầu ra 500 thành viên vào hạ viện trong hệ thống lưỡng viện của Thái Lan. Nhưng theo hiến pháp do quân đội soạn thảo sau cuộc đảo chính vừa qua, thượng viện với 250 ghế, cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc ai sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo.

Người thừa kế của Thaksin

Sinh năm 1986 tại thủ đô Bangkok, bà Paetongtarn theo học những ngôi trường hàng đầu ở Thái Lan và Anh.

Khi lớn lên, người ta thường bắt gặp cô đi cùng cha mình tại các sự kiện chính thức khi ông Thaksin còn là Thủ tướng.

Chuyên gia chính trị Thitinan Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn chỉ ra: “Bà ấy rất nổi bật và thường được nhìn thấy đi cùng cha mình. Paetongtarn có bản năng chính trị của Thaksin và có nhiều lợi thế do là con út của ông Thaksin".

Là một tỷ phú viễn thông, ông Thaksin đã trở nên cực kỳ nổi tiếng với người nghèo ở nông thôn nhờ chính sách chăm sóc y tế với giá cả phải chăng, xóa nợ và lập trường chống các nguyên tắc truyền thống. Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2001, các doanh nghiệp đã tỏ ra quá nồng nhiệt với chính quyền Thaksin, phần lớn là do nhãn hiệu “Thaksinomics” của ông đã mở ra một kỷ nguyên thành công về kinh tế.

Các chính sách kinh tế mới, bao gồm các khoản vay và lệnh cấm nợ đối với nông dân cũng như trợ giá nhiên liệu, nhằm vào người dân nông thôn, những người chiếm phần lớn dân số của đất nước, lại khiến giới thượng lưu "nóng mắt".

Năm 2006, sau khi bị buộc tội tham nhũng, ông Thaksin bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự và có khả năng phải đối mặt với án tù. Vị tỷ phú này phải sống lưu vong mặc dù ông đã trở lại Thái Lan một thời gian ngắn vào năm 2008, rồi lại rời đi ngay trước khi tòa kết án ông.

Tuy nhiên, bất chấp sự vắng mặt của Thaksin, nhiều người cho rằng ông vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến đảng Pheu Thai, đầu tiên là thông qua em gái ông, bà Yingluck, người trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan vào năm 2011, giờ là thông qua cô con gái Paetongtarn.

Ông Thaksin đã tán thành các kỹ năng chính trị của con gái mình và nói rằng cô ấy sẽ trở thành một nhà lãnh đạo tốt, nhưng đã bác bỏ những gợi ý rằng ông sẽ "buông rèm nhiếp chính".

“Tôi đã chứng kiến con bé cống hiến hết mình cho đảng và nó đã hoàn thành tốt công việc dù đang mang thai,” ông Thaksin nói về con gái hồi tháng Ba. “Giờ khi đã trưởng thành, con bé sẽ tự quyết định. Tôi không kiểm soát nó. Con gái tôi có những đặc điểm của mẹ nó, do đó nếu trở thành thủ tướng, nó sẽ làm tốt hơn tôi".

Chướng ngại vật

Giới truyền thông Thái Lan khi đưa tin về quá trình vận động tranh cử của Paetongtarn Shinawatra thường cho rằng bà đang dựa dẫm vào những người tiền nhiệm trong gia đình và hy vọng sẽ khơi lại được sự ủng hộ của công chúng giống như cách cha và cô của mình thành công.

Có những dấu hiệu cho thấy cách tiếp cận này hiệu quả. Một cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử được Viện Quản lý Phát triển Quốc gia (NIDA) tiến hành với 2.000 người tham gia cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Paetongtarn.

Cuộc khảo sát của NIDA cho thấy bà là sự lựa chọn ưa thích nhất cho vị trí thủ tướng, nhận được “sự ủng hộ nhiều hơn gấp đôi” so với các đối thủ của bà, bao gồm Thủ tướng đương nhiệm Prayut và ứng viên trẻ tuổi Pita Limjaroenrat từ đảng Tiến bước.

Chuyên gia Thitinan Pongsudhirak cho biết: “Thật ngạc nhiên khi thấy bà Paetongtarn đã tiến nhanh như thế nào và thu hút được cử tri. Bà ấy trẻ hơn và sẽ thu hút nhóm cử tri trẻ tuổi".

Tuy nhiên, trong khi sức ảnh hưởng của gia đình Shinawatra tiếp tục tạo ra lợi thế cho bà Paetongtarn, các chuyên gia cho rằng có một mặt trái của việc có một người cha nổi tiếng.

Thế hệ thứ hai của gia đình Shinawatra tranh cử Thủ tướng Thái Lan ảnh 2

Bà Paetongtarn Shinawatra đang được lòng giới cử tri trẻ tuổi. Ảnh: CNN

Những gì xảy ra với người cô Yingluck chính là lời nhắc nhở nghiêm túc dành cho bà Paetongtarn về những nguy hiểm khi đảm nhận vai trò của ông Thaksin.

Bà Yingluck, người trở thành Thủ tướng Thái Lan vào năm 2011 sau một chiến thắng áp đảo, đã bị cản trở bởi các cuộc tấn công phân biệt giới tính và coi thường phụ nữ, đồng thời liên tục bị những người chỉ trích cáo buộc chỉ là "bù nhìn" của anh trai.

Nữ Thủ tướng Thái Lan đã bị cách chức vào năm 2014 sau khi Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng bà đã lạm dụng chức vụ của mình bằng cách loại bỏ một sĩ quan quân đội khỏi công việc của một công chức. Sau đó, cuộc đảo chính của tướng Prayut diễn ra và bà Yingluck theo chân người anh trai Thaksin sống lưu vong.

“Paetongtarn đã thu hút được rất nhiều sự ủng hộ của quần chúng và sự chú ý của giới truyền thông chủ yếu bởi vì bà ấy là con gái của Thaksin. Nhưng cũng cần phải chỉ ra rằng bà đã ngừng nói về cha mình trong những lần xuất hiện trước công chúng gần đây”, nhà quan sát Termak Chalermpalanupap từ Chương trình Nghiên cứu Thái Lan của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak.

“Tinh thần chăm chỉ làm việc mặc dù đang mang thai của bà Paetongtarn cũng thu hút rất nhiều sự ngưỡng mộ và đồng cảm của công chúng. Nhưng vẫn chưa chắc liệu gia đình Shinawatra có sẵn sàng mạo hiểm đánh đổi hạnh phúc của Paetongtarn lấy danh vị thủ tướng thứ ba trong dòng họ hay không", ông Chalermpalanupap chỉ ra.

Thách thức phía trước

Những người khác đặt câu hỏi liệu sau ngần ấy năm, tên tuổi của gia đình Shinawatra có đủ để đưa bà Paetongtarn đến chiến thắng hay không.

Aim Sinpeng, giảng viên cao cấp tại Đại học Sydney, mô tả Paetongtarn là “một người nổi tiếng về một mặt nào đó”, nhưng đặt câu hỏi liệu điều đó có đủ hay không.

“Gia đình cô ấy nổi tiếng, bố cô ấy là một trong những thủ tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Thái Lan. Cô ấy có thể tin tưởng vào lực lượng ủng hộ trung thành và mạnh mẽ của ông Thaksin, nhưng tôi không biết liệu điều này có đủ để thu hút cử tri trẻ, vốn khá chia rẽ và có khuynh hướng tiến bộ hơn nhiều so với những giá trị đảng Pheu Thai hướng đến", bà Sinpeng cho biết.

Và còn lâu mới rõ liệu bà Paetongtarn có thể trở thành ứng cử viên cuối cùng trong đảng Pheu Thai hay không, khi ứng viên Srettha đang tăng tốc.

Tuy nhiên, việc mang thai của Paetongtarn có thể giúp bà có thêm lợi thế.

Trong khi các nhân viên đảng Pheu Thai cho rằng bà Paetongtarn “sẽ không xuất hiện nhiều tại các cuộc mít tinh bầu cử sắp tới” do đang mang thai, bà khẳng định mình “sẵn sàng 100%” cho cuộc chiến phía trước.

“Cô ấy sẽ không bị phản ứng tiêu cực vì là một bà mẹ trẻ đang ở tuổi lao động, cô ấy sẽ nhận được nhiều lời khen ngợi. Xã hội Thái Lan hiểu rằng phụ nữ cần rất nhiều sự giúp đỡ để nuôi dạy con cái và cô ấy đã rất thẳng thắn về các vấn đề tập trung vào giới tính của mình và vượt qua ranh giới về những gì phụ nữ có thể làm trong xã hội Thái Lan ngày nay", bà Sinpeng nhận định.

Trong khi đó, chuyên gia Pongsudhirak từ Đại học Chulalongkorn cho biết: “Chính trị Thái Lan có thể thực sự đi xuống và trở nên bẩn thỉu, đặc biệt là đối với phụ nữ. Bà Paetongtarn có thể phải đối mặt với các cuộc tấn công tương tự như người cô Yingluck đã trải qua".

Tuy nhiên, ông Pongsudhirak cũng chỉ ra rằng môi trường chính trị ở Thái Lan bây giờ đã khác và hy vọng nó sẽ càng khác đối với Paetongtarn vì theo nhiều cách, bà đang tham gia cuộc bầu cử với mục đích minh oan cho gia đình mình.

Theo CNN
Vấn nạn bỏ học ở Nhật Bản
Vấn nạn bỏ học ở Nhật Bản
(Ngày Nay) - Để đối phó với tình trạng học sinh bỏ học ngày càng gia tăng, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách mới nhằm tạo ra một môi trường học đường an toàn, thân thiện và phù hợp với nhu cầu của từng trẻ nhỏ .
Tập đoàn Tân Á Đại Thành tự hào được vinh danh trong Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024.
Tập đoàn Tân Á Đại Thành được vinh danh trong Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024
(Ngày Nay) - Vừa qua, Tân Á Đại Thành đã được vinh danh trong Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, đồng thời, Tập đoàn cũng đứng trong Top 5 nơi làm việc tốt nhất nhóm ngành hàng Sản xuất Chế biến Chế tạo Công nghiệp, theo công bố của Anphabe. Đây là minh chứng cho những thành tựu của Tập đoàn trong việc xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp , sáng tạo và bền vững.
Ukraine mất dần lợi thế ở vùng Kursk của Nga
Ukraine mất dần lợi thế ở vùng Kursk của Nga
(Ngày Nay) - Tình hình chiến sự tại vùng Kursk của Nga đang trở nên bất lợi cho Ukraine khi Nga gia tăng lực lượng nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực này. Trong khi đó, tình hình ở mặt trận phía Đông Ukraine cũng đang diễn biến phức tạp.
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
Cảnh báo đỏ về tình trạng lạm dụng kháng sinh toàn cầu
(Ngày Nay) - Theo một nghiên cứu mới được công bố, mức sử dụng kháng sinh trên toàn cầu đã tăng 21% kể từ năm 2016, làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ kháng thuốc kháng sinh. Phân tích dữ liệu từ 67 quốc gia cho thấy xu hướng gia tăng đáng báo động này.
Ảnh minh hoạ.
Còn những bất cập trong thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
(Ngày Nay) - Việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, gồm cả tuyến huyện và tuyến tỉnh, đã góp phần đổi mới cơ chế quản lý tài chính y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh và tạo động lực cho y tế tuyến huyện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phong cách phục vụ…
Khung cảnh mua bán được tái hiện trong không gian Trên bến dưới thuyền tại kênh Thầy Cai, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Đánh thức tiềm năng du lịch bền vững ở làng nghề trăm tuổi
(Ngày Nay) - Dòng kênh Thầy Cai nhộn nhịp với những chiếc ghe chở gạch, chở trấu, những chiếc ghe hàng... tưởng chừng như bị lãng quên đã được gợi nhớ lại trong những ngày diễn ra Festival Gạch Gốm Đỏ - Kinh tế xanh tỉnh Vĩnh Long lần đầu tiên vào năm 2024.