Hàn Quốc từ chối sử dụng thực phẩm do lo lắng nhiễm phóng xạ
Mặc dù Ban tổ chức Olympic 2020 đã nhiều lần khẳng định sử dụng nguồn nguyên liệu đạt chuẩn làm thực phẩm cho Thế vận hội, nhưng Ủy ban Olympic Hàn Quốc vẫn lên kế hoạch tự cung cấp thực phẩm với lý do “lo ngại vận động viên dùng những thực phẩm bị nhiễm phóng xạ từ tỉnh Fukushima”.
Thông tin nguồn nước thải vốn lưu trữ tại nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi sẽ được Nhật Bản xả ra biển đã làm dấy lên lo ngại cũng như phản đối trong xã hội Hàn Quốc. Việc Bộ Thực phẩm và Dược phẩm nước này phát hiện một lượng tồn dư phóng xạ trong khoảng 20 tấn thực phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản đã thúc đẩy Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc phải gấp rút xem xét một kế hoạch tự cung cấp thực phẩm tại Olympic 2020.
Theo The Japan Times, bắt đầu từ ngày 18/07 phía Hàn Quốc đã khởi động bếp ăn dành cho đoàn vận động viên tại một khách sạn thuê gần Làng Olympic. Seoul điều 14 đầu bếp, các chuyên gia dinh dưỡng, cùng những nhân viên khác đến Nhật, mang theo nguyên liệu nấu ăn từ Hàn Quốc. Mỗi ngày, bếp ăn cung cấp khoảng 420 phần ăn và những suất ăn này sẽ được chuyển tới nơi ở cũng như khu vực huấn luyện của đội tuyển Hàn Quốc.
Phát ngôn viên Lee Mi-jin thuộc Ủy ban Thể thao và Olympic Hàn Quốc cho biết họ đã trao đổi vấn đề này các nhà tổ chức Thế vận hội. Ủy ban sẽ làm những điều tốt nhất để mang lại sự yên tâm cho các vận động viên và gia đình của họ. Nếu phải bổ sung thực phẩm từ Nhật Bản, họ sẽ đo những nguyên liệu này có chất phóng xạ hay không.
Chữ trên banner: "Hãy dừng ngay các hoạt động Olympic tại địa điểm có nguy cơ phóng xạ!" |
Theo ông Masahisa Sato, thành viên của Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, động thái từ chối sử dụng thực phẩm của Hàn Quốc đã “làm tan vỡ trái tim người dân Fukushima”.
Còn ông Tomohisa Ishikawa, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản thì lo ngại hành động của Hàn Quốc có thể làm tổn hại đến danh tiếng của nền nông nghiệp Nhật Bản. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi là nhà cung cấp những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng rất cao”.
Một số cư dân mạng Nhật Bản tức giận bình luận rằng “Hàn Quốc đã có một quyết định đáng thất vọng”, trong khi những người khác chỉ trích kế hoạch tự cung ứng thực phẩm này làm họ thấy “khó chịu” với Hàn Quốc.
… và nghi ngờ chất lượng của giường carton tại Tokyo 2020
Cuộc khẩu chiến giữa hai nước láng giềng không dừng lại ở nguồn cung thực phẩm. Khi Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 đăng tải những hình ảnh về Làng Vận động viên, truyền thông và cư dân mạng Hàn Quốc nhanh chóng hướng sự chú ý và bày tỏ thái độ quan ngại về chất lượng của những chiếc giường carton do nước này chuẩn bị.
Cụ thể, sau khi xem những hình ảnh về khu nghỉ ngơi của các vận động viên, cư dân mạng Hàn Quốc đã có những bình luận như: “Đây giống như giường dành cho trẻ con!”, “Nó có thể sập khi các vận động viên Hàn Quốc nằm ngủ không nhỉ?”, “Nếu Olympic tổ chức tại Hàn Quốc chắc chúng ta sẽ không dùng giường này!”
Thậm chí, truyền thông Hàn Quốc còn đưa ra những phỏng đoán về việc, liệu sự xuất hiện của những chiếc giường carton có liên quan đến việc anh trai của cựu Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang điều việc một doanh nghiệp sản xuất giấy hay không.
Khu vực dành cho đội tuyển Hàn Quốc tại Làng Vận động viên Olympic. |
Trước những nghi ngờ trên, Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 khẳng định việc ứng dụng giường carton và các đồ dùng tại Thế vận hội nhằm mục tiêu cao nhất là giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tokyo 2020 sẽ là kỳ Olympic và Paralympic đầu tiên trong lịch sử nhân loại với 99% đồ dùng có thể được tái chế.
Ngoài ra, để chứng minh công năng và độ vững chắc của các đồ dùng tại Làng Thế vận hội, vận động viên Rhy McClenaghan thuộc đoàn thể thao Ireland đã đăng đoạn video ghi lại cảnh anh liên tục nhún nhảy trên giường trong ngày 19/07.
Lý do bắt nguồn từ yêu cầu phi chính trị hóa Thế vận hội bị từ chối?
Được biết, những động thái có phần thiếu thiện chí từ Ủy ban Olympic và người dân Hàn không phải không có nguyên do.
Vào cuối tháng 5 năm nay, khi phát hiện trong bản đồ rước đuốc của Thế vận hội Tokyo có vị trí tương ứng với nhóm đảo Liancourt (nơi Hàn Quốc gọi là Dokdo, Nhật Bản gọi là Takeshima), giới chức Seoul từng nhiều lần kiến nghị chính phủ Nhật Bản phải bỏ địa điểm đó.
Hình ảnh nhóm đảo Liancourt trên bản đồ rước đuốc của Thế vận hội Tokyo 2020. |
Cụ thể, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Olympic Hàn Quốc đã gửi thư kiến nghị đến Ủy ban Olympic Nhật Bản yêu cầu chỉnh sửa và “phi chính trị hóa Thế vận hội”.
Đáp lại yêu cầu phía Hàn Quốc, Ban tổ chức Tokyo 2020 đã từ chối và cho biết bản đồ lộ trình rước đuốc cần thể hiện địa lý của nước chủ nhà, trong đó bao gồm những hòn đảo xa xôi của Nhật Bản. Theo KBS World, tuyên bố trên cho thấy Nhật Bản muốn nhân sự kiện Olympic để tuyên bố chủ quyền trong khu vực đang tranh chấp.
Trước đó tại Thế vận hội PyeongChang 2018, Hàn Quốc từng tôn trọng và chấp thuận đề nghị của Tokyo cũng như Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) khi loại bỏ hình ảnh các đảo nhỏ ra khỏi lá cờ Triều Tiên thống nhất. Vì vậy, việc Tokyo từ chối sửa bản đồ năm nay đã gây nên làn sóng phẫn nộ dữ dội trong giới truyền thông và người dân xứ kim chi.
Trong một xã luận đăng trên The Korea Times vào ngày 30/05, tác giả bài viết bình luận gay gắt: "Các quốc gia nên tránh lồng ghép những tuyên bố chính trị vào trước và trong quá trình diễn ra Olympic, vì đây là đại hội thể thao toàn cầu. Việc Nhật Bản tuyên bố lãnh thổ với Dokdo trong lúc này là hành động không thể chấp nhận được, họ nên cảm thấy xấu hổ".
Theo diễn biến mới nhất, 2 ngày trước khi Thế vận hội Tokyo 2020 diễn ra, Tổng thống Moon Jae-in đã bất ngờ hủy bỏ lịch trình tham dự lễ khai mạc mặc dù vào ngày 19/07, người đứng đầu Hàn Quốc từng xác nhận có mặt tại Olympic.
Lý do dẫn đến quyết định đột ngột này được Nhà Xanh thông báo xuất phát từ việc ông Hirohisa Soma, Phó đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc đã có những phát ngôn “xúc phạm”, “khó lòng dung thứ” nhằm vào ông Moon.
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận của Mỹ, từ lâu đã căng thẳng vì những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền cụm đảo Liamcourt, vụ kiện đền bù cho nạn nhân "phụ nữ giải khuây" trong Thế chiến II, tranh chấp thương mại và kế hoạch xả nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào đại dương.
Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học nữ Ewha ở Seoul cho biết: “Chính quyền Biden đã phải vật lộn để khiến Seoul và Tokyo ưu tiên các mối quan tâm địa chính trị. Thế vận hội lẽ ra phải là một sự kiện có thể giúp xoa dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đồng minh của Mỹ." Thế nhưng, thay vào đó, căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang sau hàng loạt những phát ngôn và động thái gây hấn trước và trong Thế vận hội.