Cụ thể, ban tổ chức Thế vận hội Tokyo đã sa thải đạo diễn Kobayashi Kentaro do ông này từng nói đùa về nạn diệt chủng Holocaust khi tham gia một trò chơi trên truyền hình vào những năm 1990.
Tuy nhiên gần đây đoạn video đó xuất hiện truyền thông và mạng xã hội. Đạo diễn Kobayashi đã xin lỗi về những bình luận trong quá khứ của mình.
"Tôi gửi lời xin lỗi sâu sắc vì đã gây rắc rối và lo lắng cho nhiều người liên quan cũng như người dân Tokyo và người dân Nhật Bản khi lễ khai mạc sắp đến gần", bà Hashimoto Seiko - trưởng ban tổ chức Thế vận hội tuyên bố.
Trước đó, Trung tâm Simon Wiesenthal, một tổ chức nhân quyền quốc tế của người Do Thái, đã đưa ra một tuyên bố cho rằng mối liên hệ giữa đạo diễn Kobayashi và Thế vận hội sẽ "xúc phạm ký ức" về 6 triệu người Do Thái đã thiệt mạng do nạn diệt chủng.
Đây không phải lần đầu ban tổ chức Thế vận hội Tokyo sa thải đội ngũ sản xuất lễ khai mạc liên quan tới các bê bối cá nhân. Gần đây, một nhạc sĩ nổi tiếng bị buộc phải từ chức nhà soạn nhạc cho lễ khai mạc sau khi dính líu tới các cáo buộc bạo lực và lạm dụng.
Đầu năm nay, người đứng đầu ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 cũng đã phải từ chức sau khi đưa ra những nhận xét phân biệt giới tính và người đứng đầu bộ phận sáng tạo của Thế vận hội Tokyo cũng từ chức sau khi có những bình luận xúc phạm một nữ nghệ sĩ nổi tiếng của Nhật Bản.
Một tin bất lợi cho phía ban tổ chức Thế vận hội đó là nhiều khả năng cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinjo sẽ không tới dự lễ khai mạc vào ngày mai.
Đài NHK cho biết Thủ tướng Abe đã quyết định không tham dự buổi lễ sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với Tokyo.
Cựu Thủ tướng Abe, người đã hóa trang thành nhân vật thợ sửa ống nước trong trò chơi điện tử Super Mario tại Thế vận hội Rio 2016, đã đóng một vai trò lớn trong việc đưa Olympic quay trở lại Tokyo.
Vào thời điểm đăng cai, Thủ tướng Abe kỳ vọng Olympic Tokyo 2020 sẽ có tác động tương tự như kỳ Thế vận hội năm 1964, đánh dấu sự hồi sinh của Nhật Bản sau nhiều thập kỷ trì trệ kinh tế.
Trong một cuộc thăm dò gần đây, 68% người được hỏi bày tỏ nghi ngờ về khả năng của các nhà tổ chức Olympic trong việc kiểm soát làn sóng lây nhiễm trong số các vận động viên, với 55% nói rằng họ phản đối Thế vận hội.
Tuy nhiên, những thay đổi nhân sự vào phút chót,cùng với tác động của đại dịch COVID-19 và sự phản đối của dư luận Nhật Bản đã biến Thế vận hội Tokyo trở thành một "thảm họa PR", theo lời của Bob Pickard - một chuyên gia quan hệ công chúng.
"Olympic Tokyo 2020 phải đóng vai trò một bệ phóng đưa Nhật Bản tới một tương lai với đầy sự tự tin. Thay vào đó, những gì chúng ta thấy ở đây là di sản của những thái độ cực đoan của một Nhật Bản vốn bị sa lầy vào những định kiến trong quá khứ và khuôn mẫu cũ", ông Pickard nói.
Lễ khai mạc vào Thế vận hội Tokyo dự kiến sẽ chỉ có 950 người tham dự, bao gồm khoảng 15 nhà lãnh đạo toàn cầu. Khán giả đã bị cấm tham gia hầu hết các trận đấu và hai buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc.