Theo CNN, đây là hãng dược lớn thứ hai của Trung Quốc dính bê bối trong vòng không đầy một tháng qua. Hồi giữa tháng 7 này, nhà chức trách Trung Quốc từng phát hiện Công ty Khoa học kỹ thuật sinh học Trường Sinh, tỉnh Cát Lâm đã sản xuất và cho lưu hành hàng trăm ngàn liều vắc-xin dành cho trẻ em kém chất lượng, khiến các em nhỏ phải đối mặt với rủi ro về sức khỏe.
Trong bê bối mới nhất, Valsartan, một hoạt chất thông dụng dùng để sản xuất các thuốc điều trị huyết áp cao và ngăn ngừa bệnh tim, đã đồng loạt bị thu hồi ở 22 quốc gia trên khắp châu Âu và Bắc Mỹ trong tháng 7. Động thái diễn ra sau khi nhà sản xuất phát hiện các lô dược phẩm có chứa N-nitrosodimethylamine (NDMA), hóa chất sinh học thuộc về một họ chất tiềm ẩn khả năng gây ung thư. Các nghiên cứu trên động vật sử dụng NDMA cho thấy, chất này có thể gây các khối u trong gan, thận và đường hô hấp.
Dược chất nguy hiểm do Công ty dược phẩm Chiết Giang Huahai (ZHP), có trụ sở ở thị xã Lâm Hải, tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc bào chế. Công ty này tuyên bố đã thông báo cho các cơ quan chức trách ngay khi phát hiện thuốc nhiễm bẩn.
"Chúng tôi đã đăng tải các thông báo thu hồi vào giữa ngày 13/7 ở Trung Quốc và nước ngoài ... Mọi nguyên liệu bào chế thuốc cho thị trường Trung Quốc đã bị thu hồi vào ngày 23/7", trích thông cáo của ZHP niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải hôm 30/7.
Trước đó, ngày 16/7, ZHP cũng thông báo đã thu hồi mọi sản phẩm chứa Valsartan từ các hiệu thuốc ở Mỹ, một thị trường đem lại doanh thu tới 20 triệu USD cho công ty trong năm 2017.
Tân Hoa xã đưa tin, tiếp sau tiết lộ gây chấn động, Cục quản lý Thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã tiến hành thanh, kiểm tra mọi nhà cung cấp chất Valsartan trên toàn quốc, kể cả ZHP. Tính đến hiện tại, ZHP khẳng định đã thực hiện "các biện pháp cần thiết" nhằm tuân thủ mọi quy định đã ban hành.
Các bê bối về dược phẩm xảy ra đúng vào lúc chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục niềm tin, cả trong và ngoài nước, về chất lượng của những sản phẩm được sản xuất tại nước này.