Bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì buổi làm việc, cùng dự có ông Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Lao động, Thương binh và Xã hội v.v...
Các hiệp định FTA đã trở thành một trào lưu chung trên thế giới trong xu thế toàn cầu hóa, đồng thời là giải pháp được nhiều quốc gia lựa chọn khi mà những thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa làm “hài lòng” các nước về mức độ cam kết.
Đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA có hiệu lực và hiện đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã có hiệu lực và đang triển khai, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA thế hệ mới đầu tiên mà Việt Nam tham gia, tiếp theo đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Phó Chủ tịch Thương trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã thay mặt Chính phủ báo cáo về tình hình thực hiện các Hiệp định FTA mà Việt Nam là thành viên. Báo cáo tập trung vào đánh giá tổng quan về các FTA mà Việt Nam đã thực thi, từ việc tuân thủ các quy định của Đảng và Nhà nước trong quá trình đàm phán và ký kết các hiệp định, phân tích tác động của các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam với đối tác, đánh giá tác động đối với xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất trong nước, dịch vụ, đầu tư từ việc cắt giảm thuế quan, tình hình sử dụng các ưu đãi của quy tắc xuất xứ (C/O) cũng như tác động của các biện pháp phi thuế quan và đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Báo cáo với Đoàn giám sát, Bộ trưởng cho biết việc tham gia các hiệp định FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định tác động tích cực của các FTA đối với kinh tế Việt Nam |
Bộ trưởng Tuấn Anh nhận định, thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng và đa dạng hóa; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA v.v.
Cùng với tham gia WTO từ năm 2007, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%.
Năm 2019, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm tốc do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại toàn cầu và cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 vượt mốc 500 tỷ USD; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018; kim ngạch nhập khẩu 2019 đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2018.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng: tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 337,23 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm trước. Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 175,36 tỷ USD, tăng 2,3% và nhập khẩu đạt 161,87 tỷ USD, giảm 2,4%.
Kết quả đạt được này là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc tham gia các FTA và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ trong tăng cường thực hiện và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả.
Tuy nhiên, hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc tham gia các Hiệp định FTA nói riêng, đặc biệt là các hiệp định FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà kèm theo những rủi ro và thách thức.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã chỉ ra gồm thách thức về kinh tế; thách thức về hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế; thách thức trong việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây như lao động, công đoàn, môi trường…; thách thức về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương, trong thực thi các FTA có hiệu quả thời gian qua |
Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân và doanh nghiệp về những cơ hội do FTA mang lại còn hạn chế, tạo ra thách thức trong việc triển khai và nắm bắt cơ hội.
Việc đánh giá tác động và tình hình thực hiện FTA tại thời điểm này là thực sự cần thiết với mục đích mang lại cái nhìn bao quát, xác định được cơ hội - thách thức với doanh nghiệp và nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ và giúp cho công tác thực thi trong thời gian tới được hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho nước ta.
Từ việc phân tích, đánh giá những thành tựu và kết quả đạt được cũng như khó khăn và thách thức đặt ra trong quá trình thực thi, báo cáo của Chính phủ đã đưa ra một số khuyến nghị về chính sách đối với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành nghề, người lao động và người dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực thi các FTA đã ký kết trong giai đoạn tiếp theo, từ đó nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp, ngành hàng và sản phẩm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.