Từ tháng 1/2017, qua cổng https://hanoi.gov.vn/quantracmoitruong, chính quyền Hà Nội đã cung cấp chỉ số môi trương (AQI) của các quận huyện qua 10 điểm quan trắc, tạo điều kiện cho người dân và du khách biết tình trạng không khí và mức độ ảnh hưởng sức khỏe.
Theo thang đánh giá, AQI từ 101 đến 200 là chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe bệnh nhân về hô hấp, tim mạch. AQI 201-300 tương đương mức xấu, những người mắc bệnh tim mạch, hô hấp nên ở trong nhà, người khỏe mạnh tránh ra ngoài. Còn AQI hơn 300 thì chất lượng ở mức nguy hại, mọi người được khuyến cáo nên ở nhà.
Chuỗi số liệu thu thập hai ngày qua cho thấy, chất lượng không khí kém nhất vào ban đêm, từ 20h đến sáng hôm sau. Thời điểm này có lúc AQI lên gần 300.
Cụ thể, từ 21h đến 23h ngày 23/1, chỉ số ô nhiễm cao nhất tại trạm Hàng Đậu (Hoàn Kiếm) là 299; Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) 257; Thành Công 239. Các nơi khác như Tây Mỗ, Nhổn cũng ghi nhận AQI có thời điểm gần 200.
Khác với suy nghĩ của nhiều người rằng không khí buổi sáng trong lành nhất. số liệu trên Cổng giao tiếp của Hà Nội chỉ ra điều ngược lại, không khí tốt thường vào trưa đến cuối chiều.
Một chuyên gia phân tích, Hà Nội và các đô thị lớn đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm không khí vào nửa đêm và sáng sớm. Mùa đông, hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về đêm khiến chất ô nhiễm ở thời điểm này cao hơn ban ngày nhiều lần và kéo dài đến sáng sớm.
Sáng hôm sau, dưới tác động của ánh nắng mặt trời, tầng nhiệt độ nghịch mới biến mất, các chất ô nhiễm cũng khuếch tán dần, nên 10h đến khoảng cuối chiều mới là thời điểm không khí tốt nhất.
Bản đồ vị trí các trạm đo mưa tự động. |
Không chỉ biết chất lượng không khí theo giờ, người dân còn có thể theo dõi các trạm đo mưa tự động tại 22 vị trí trên địa bàn và tình trạng 16 điểm úng ngập, với số liệu được cập nhật 30 phút/lần.
Báo cáo chất lượng không khí Việt Nam 2016 do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam công bố cho thấy, bức tranh tổng thể về không khí ở Hà Nội và TP HCM rất đáng báo động, chỉ số AQI và nồng độ bụi PM 2,5 (bụi có đường kính động học ≤2,5µm) đều vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới. Hà Nội có 123 ngày nồng độ bụi PM 2,5 vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam, tương đương với 35% số ngày của năm 2016. Trong khi dựa vào chuẩn WHO thì Thủ đô có đến 282 ngày ô nhiễm, tương đương 70% ngày. Nếu đánh giá theo giờ, Hà Nội có hơn 3.000 giờ bụi PM 2,5 vượt tiêu chuẩn Việt Nam và gần 7.000 giờ vượt chuẩn thế giới. |