NASA gần đây vừa báo cáo vụ nổ thiên thạch có kích thước 7 m trên Đại Tây Dương và gần như không để lại dấu vết gì.
Đây được ghi nhận là vụ nổ thiên thạch lớn nhất kể từ sau vụ nổ ở tỉnh Chelyabinsk (Nga) đầu năm 2013. Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết thiên thạch rơi xuống Đại Tây Dương vào hôm 6.2.
Vụ việc trên xảy ra vào khoảng 14h00 giờ UTC khi một thiên thạch phát nổ cách 1.000 km ngoài khơi bờ biển phía nam của Brazil. Vụ nổ trên, theo NASA, phát ra năng lượng khoảng 13.000 tấn thuốc nổ TNT, tương đương năng lượng trong vụ ném bom nguyên tử san bằng thành phố Hiroshima của Nhật Bản năm 1945.
Các cảm biến quân sự đã phát hiện ra vụ nổ, nhưng do thiên thạch rơi giữa biển nên khó có khả năng ai đó nhìn thấy hay chịu thiệt hại do năng lượng vụ nổ phát ra.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết nếu thiên thạch rơi gần khu dân cư thì cũng chỉ khiến cửa kính bể và khó gây thiệt hại gì đáng kể vì nổ cách mặt đất đến 30 km.
Vị trí điểm rơi của thiên thạch.
Tháng 2/2013, một tảng thiên thạch 18 m đã bất ngờ xâm nhập vào khí quyển Trái đất. Thiên thạch di chuyển với vận tốc hơn 64.300 km/giờ và nổ thành nhiều mảnh trên bầu trời Chelyabinsk. Vụ việc khiến hơn 1.600 người bị thương.
Hiện tại, NASA đang theo dõi 12.992 thiên thạch gần quỹ đạo của Trái đất. Trong đó, khoảng 1.600 thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm cho chúng ta.
Mỗi năm có khoảng 30 vụ thiên thạch kích cỡ nhỏ bị đốt cháy khi rơi vào bầu khí quyển trái đất. Bởi phần lớn bề mặt trái đất được bao phủ bằng đại dương nên các vụ rơi thiên thạch phần lớn không ảnh hưởng đến các khu dân cư, theo NASA.
J.K