Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia trong năm 2019 - 2020, Việt Nam có tới 60% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có 1 trẻ thiếu sắt. Hiện nay tình trạng trẻ em thiếu máu dinh dưỡng vẫn còn cao.
Khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (SEANUTS) cho thấy bữa ăn hàng ngày của trẻ em Việt Nam thiếu tới 50% các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển bền vững của trẻ, điển hình là kẽm và sắt.
TS.BS Phan Bích Nga, Trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng trẻ em, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: “Đa phần các bậc cha mẹ cho rằng thiếu máu là do thiếu sắt. Tuy nhiên, trong những nghiên cứu gần đây đã chứng minh thiếu máu dinh dưỡng không đơn thuần là thiếu sắt mà thường thiếu cùng các vi chất khác điển hình là kẽm”.
Theo đó, đặc biệt, trong 9 tháng đầu đời của trẻ, thiếu máu dinh dưỡng có thể gây ra những tổn thương không hồi phục ở não, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển trí não của trẻ, gây ra tình trạng biếng ăn, suy dinh dưỡng. Còn đối với những trẻ lớn hơn, vấn đề thiếu máu dinh dưỡng ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng, làm giảm sức đề kháng, cơ thể dễ nhiễm khuẩn, ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, phát triển, học tập của trẻ.” Khi bị thiếu máu, sức đề kháng kém dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp thông thường như viêm họng, ho, cảm cúm, trẻ thường xuyên mệt mỏi, kém hoạt bát hơn, da xanh xao, thường học kém, hay buồn ngủ.
Theo các chuyên gia, thiếu sắt, cơ thể không có đủ nguyên liệu sản xuất hemoglobin có thể gây thiếu máu dinh dưỡng. Cùng với sắt, kẽm cũng được nghiên cứu là có tham gia vào cấu tạo và phát triển tế bào hồng cầu . Theo nhiều nghiên cứu, trẻ bị thiếu máu có nồng độ kẽm trung bình trong huyết thanh thấp hơn đáng kể so với trẻ không bị thiếu máu. vì vậy, trẻ thiếu kẽm cũng có nguy cơ bị thiếu máu dinh dưỡng. Theo một nghiên cứu mới đây thì kẽm kết hợp với bổ sung sắt đã được phát hiện là làm tăng nồng độ huyết sắc tố ở mức độ cao hơn so với sắt đơn thuần ở trẻ thiếu máu do sắt..
TS.BS Phan Bích Nga cũng lưu ý, không phải cứ cho trẻ thức ăn giàu sắt và kẽm là hấp thu 100%. Bởi sắt hấp thu rất thấp, chỉ 10 - 15% sắt từ thức ăn được hấp thu vào cơ thể; con số này với kẽm cũng chỉ ở mức 20% - 30%. Kẽm và sắt còn bị giảm hấp thu bởi thực phẩm giàu chất phylate như tinh bột, chất xơ có trong các loại thực phẩm ngũ cốc... Vì vậy trẻ rất dễ thiếu sắt và kẽm; nếu trẻ bị thiếu sắt thường thiếu kẽm và ngược lại.
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đã chứng minh, kẽm có thể làm tăng sự hấp thu sắt thông qua việc kích hoạt các chất vận chuyển sắt kim loại hóa trị 2 (DTM1) và ferroportin (FPN1); kẽm cũng đóng vai trò là chất xúc tác trong quá trình chuyển hóa sắt tham gia vào quá trình tổng hợp, cấu tạo nên hồng cầu.
Chính vì vậy, để dự phòng nguy cơ thiếu máu, TS.BS Phan Bích Nga lưu ý, các bậc cha mẹ cần chú ý đảm bảo đủ lượng sắt kẽm cho nhu cầu hàng ngày của trẻ; cần có chế độ ăn đa dạng đặc biệt bổ sung các thực phẩm giàu sắt và kẽm như: Thịt bò, các loại nhuyễn thể như: Hàu, nghêu, sò…
Bên cạnh đó, theo khuyến cáo sử dụng trong phác đồ “Thiếu máu dinh dưỡng trẻ em” của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nên bổ sung kẽm và sắt cho trẻ với tỷ lệ cân bằng 1:1 giúp tăng khả năng hấp thu, đáp ứng nhu cầu hàng ngày; kết hợp cùng đồng gluconate, vitamin B12, vitamin C…, hỗ trợ tăng khả năng hấp thu sắt và kẽm giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ.