"Thiếu niên bị mắc bệnh dịch hạch sau khi săn bắt và ăn thịt sóc núi (marmot)", theo Dorj Narangerel, phát ngôn viên của Bộ Y tế Mông Cổ. "Bệnh nhân qua đời vào Chủ nhật".
Sóc núi là loài gặm nhấm lớn và từng là nguồn cơn gây ra nhiều đợt bùng phát dịch hạch tại Mông Cổ.
Ngay sau khi xác định được nguyên nhân gây tử vong, các nhà chức trách đã áp đặt biện pháp kiểm dịch tại huyện Tugrug thuộc tỉnh Gobi-Altai. Quá trình này sẽ kéo dài gần 1 tuần, hiện đã có tổng cộng 15 người bị cách ly do từng tiếp xúc với nạn nhân.
Loài gặm nhấm thường là nguồn lây bệnh dịch hạch từ động vật sang người, nhưng căn bệnh này cũng có thể truyền qua vết cắn của bọ chét hoặc từ người sang người.
Bệnh dịch hạch đã giết chết khoảng 50 triệu người ở châu Âu trong đại dịch Cái chết đen vào thời Trung cổ, kháng sinh hiện đại đã có thể ngăn ngừa các biến chứng và tử vong nếu được tiêm đủ nhanh.
Dịch hạch thể hạch (bubonic plague) là một trong ba dạng của bệnh dịch hạch, gây ra các hạch bạch huyết sưng đau, cũng như làm người bệnh sốt, ớn lạnh và ho.
Mông Cổ đã ghi nhận 692 trường hợp mắc bệnh dịch hạch từ năm 1928 đến năm 2018. Trong số đó, 513 người chết vì căn bệnh này, tương đương với tỷ lệ tử vong hơn 74%.
Đầu tháng này, hai người khác đã cho kết quả dương tính với bệnh dịch hạch ở tỉnh Khovd lân cận.
Ông Sergei Diorditsu, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Mông Cổ, cho biết có những ổ dịch hạch tự nhiên ở Mông Cổ và thường lây lan qua loài sóc núi.
"Vấn đề là cư dân địa phương, bất chấp mọi lệnh cấm và khuyến nghị của chính quyền địa phương, vẫn tiếp tục săn lùng và ăn chúng, bởi đây là một món đặc sản địa phương."
Các nhà chức trách ở khu vực Nội Mông của Trung Quốc cũng xác nhận một trường hợp bệnh dịch hạch ở thành phố Bayannur, phía tây bắc Bắc Kinh, vào ngày 7/7, theo hãng tin Tân Hoa Xã.
Bệnh dịch gần đây đã trở lại và Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại nó như một căn bệnh tái phát.