Hồi 1666, dân Anh quốc từng tin rằng đó sẽ là năm tận thế. Chúng ta biết tình hình lúc đó thế nào thì cũng thông cảm thôi. Cuối xuân 1665, bệnh dịch hạch bắt đầu tấn công dân Luân Đôn. Đến mùa thu năm đó, mỗi tuần thủ đô có 7.000 người chết và suốt năm 1666 thì con số đó là khoảng 100.000 người. Trên toàn nước Anh, tổng số tử vong vì dịch hạch là hơn 300.000.
Thế quái nào, biên niên sử gia oách nhất trong Đại Dịch Hạch (Great Plague) lại là Samuel Pepys - một chính trị gia mèng thôi nhưng quan hệ khá rộng – đã ghi nhật ký khá chi tiết về năm đen tối nhất của London. Ông này chép lại từng xác chết vấp phải trên đường phố, cẩn thận ghi nhận số người chết hàng tuần được công báo ở các quảng trường.
Cuốn nhật ký của Samuel Pepys được xem là tư liệu lịch sử quý giá về dịch hạch |
Trích nhật ký của Pepys, tháng 8 năm 1665, mô tả chuyến đi đến Greenwich, “Dọc đường, tôi nhìn thấy một cỗ quan tài có xác chết ở trong, chết vì bệnh dịch hạch, giữa một cánh đồng thuộc trang trại Coome. Có lẽ xác được thảy ra đấy vào tối qua và giáo xứ đã không chỉ định bất kỳ ai chôn cất nó. Thay vào đó – thật tàn nhẫn - họ cắt đặt 1 người canh chừng cả ngày lẫn đêm, cảnh báo không ai được lai vãng, kể cả gia đình của người chết. Bệnh dịch này làm cho chúng ta trở nên tàn nhẫn với nhau hơn cả loài chó…”
Nghe như tận thế vậy nhỉ. Tuy nhiên, đó cũng là khởi đầu của một sự phục hưng khoa học ở Anh, khi các bác sĩ thử nghiệm các biện pháp kiểm dịch, khử trùng và cách ly xã hội. Đối với chúng ta - những người đang sống qua những ngày giam mình ở nhà vì Covid-19 - thật hữu ích khi nhìn lại và xem có bao nhiêu thay đổi - và có bao nhiêu điều vẫn như hồi thế kỷ 17. Nhân loại đã tự vệ chống lại bệnh dịch và sống sót qua hàng ngàn năm, và chúng ta đã cố gắng học hỏi rất nhiều trên hành trình sinh tồn đó.
Khi dịch hạch tấn công vào mùa hè năm 1665, nước Anh đang có biến động chính trị lớn. Lún sâu vào chiến tranh với Hà Lan lần thứ hai, cuộc chiến hàng hải khó chịu đã làm tổn thương nền kinh tế Anh một cách nặng nề. Xung đột chính trị nội bộ còn tệ hơn. Chỉ năm năm trước đó, vào năm 1660, vua Charles II đã giành lại quyền kiểm soát chính quyền từ các phe nghị viên Quốc hội do Oliver Cromwell lãnh đạo.
Mặc dù Cromwell đã chết năm 1658, nhà vua đã cho quật mộ, xiềng di cốt và gắn cho người này tội danh phản quốc. Sau khi kết tội, đầu lâu của Cromwell bị chặt và treo trên một cành cây cao 20 feet giữa quảng trường Westminster, cùng với hai kẻ đồng mưu. Cái sọ thối rữa Cromwell ở lại đó, nhìn chằm chằm vào London, trong suốt bệnh dịch và trong nhiều năm sau đó.
Vua Charles II |
Chiến tranh và biến động xã hội góp phần đẩy nhanh sự lây lan của bệnh dịch hạch ở Anh quốc, vốn đã bùng phát vài năm trước đó ở Hà Lan. May sao, vua Charles áp dụng khoa học cũng dứt khoát như là khi chặt đầu kẻ thù. Ông đã phê chuẩn việc thành lập Hiệp hội Hoàng gia Luân Đôn (một tổ chức khoa học đáng kính ngày nay được biết đến là Hội Hoàng gia) để nghiên cứu và cải thiện kiến thức tự nhiên.
Rất có thể là nhờ sự quan tâm của vua Charles II đối với khoa học mà các chính phủ và các bác sĩ đã nhanh chóng áp dụng biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch hạch. Charles II đã ban hành một lệnh chính thức vào năm 1666 đã ra lệnh dừng tất cả các cuộc tụ họp công cộng, bao gồm cả đám tang. Sau đó, các nhà hát đã bị đóng cửa ở London, ngừng cấp phép cho các quán rượu mới. Đại học Oxford và Cambridge cũng đóng cửa nốt.
Isaac Newton chính là một trong số những sinh viên buộc phải về nhà trong giai đoạn này, và gia đình ông nằm trong số những người giàu có đã tự cách ly khỏi thành phố để trú ẩn tại nhà của họ. Newton đã trải qua trận Đại Dịch Hạch an toàn tại gia đình của mình, dành thời gian đào sâu vào những ý tưởng nền tảng cho toán học.
Phương án cách ly phòng dịch được áp dụng triệt để và cứu nước Anh cũng như toàn Châu Âu trong sự trở lại của dịch hạch vào thế kỷ 17 |
Và thế là mọi chuyện ở London đã ổn hơn nhiều (nếu so với đại dịch Cái Chết Đen hồi thế kỷ 14 - giết 25-50 triệu dân Châu Âu). Kiểm dịch đã được phát minh trong đợt bệnh dịch hạch đầu tiên vào thế kỷ 14, nhưng nó đã được triển khai một cách có hệ thống hơn trong Đại dịch hạch thế kỷ 17. Hệ thống chuyên trách tìm kiếm đã tìm ra những trường hợp mới nhiễm bệnh và cách ly họ cùng những người xung quanh. Người ta vẽ một chữ thập đỏ trên cánh cửa của những ngôi nhà bị cách ly, bên cạnh một thông báo bằng giấy có ghi “Chúa phù hộ chúng ta”.
Chính phủ cung cấp thực phẩm cho các gia đình bị cách ly. Sau 40 ngày, những người canh gác tô những cây thánh giá màu đỏ thành những cây thánh giá màu trắng, ra lệnh cho người trong nhà khử trùng nhà của họ bằng vôi. Các bác sĩ thời đó tin rằng bệnh dịch hạch phát tán trong không khí, vì vậy việc vệ sinh hết sức được đề cao. Họ không biết rằng đó cũng là một cách tốt để loại bỏ bọ ve và bọ chét – nguyên nhân thực sự lây lan bệnh truyền nhiễm.
Hình thập giá màu đỏ ở cửa nhà báo hiệu nên tránh xa những người phải cách ly bắt buộc |
Tất nhiên, không phải ai cũng tuân thủ. Các tài liệu pháp lý tại Văn khố Lưu trữ Quốc gia Vương quốc Anh ghi nhận, vào tháng 4 năm 1665, vua Charles II đã ra lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với một nhóm người dám tự ý gỡ cây thánh giá và ra khỏi cửa và tìm cách trốn chạy ra nước ngoài. Chuyện này gợi nhớ đến tất cả những người Mỹ hiện đại đã đến các bãi biển ở Florida trong kỳ nghỉ xuân, bất chấp những gì các chuyên gia y tế công cộng nói với họ.
Pepys là một tín đồ của khoa học, lúc ấy ông đã cố gắng làm theo lời khuyên tiên tiến nhất từ những người bạn bác sĩ của mình. Chẳng loại trừ luôn việc hút thuốc lá như một biện pháp phòng ngừa, bởi vì khói và lửa sẽ thanh lọc không khí xấu. Vào tháng 6 năm 1665, khi bệnh dịch bắt đầu, Pepys đã mô tả lần đầu tiên nhìn thấy những cây thánh giá màu đỏ trên cửa. “Nó gây ra cảm giác thối rữa cho cả tâm lý lẫn cơ thể tôi – Pepys ghi trong nhật ký - vì vậy tôi buộc phải mua một ít thuốc lá để nhai và ngửi, giúp tôi lấy lại tự tin”.
Các loại lang vườn thuốc tễ các thứ thì lúc nào chả có, nhưng thi thoảng trong đó cũng có thứ hữu ích. Các chủ hàng ở London lúc đó yêu cầu khách cho tiền xu vào đĩa dấm để khử trùng (phiên bản sơ khai của dung dịch rửa tay ngày nay).
Giống như một số chính trị gia Mỹ đổ lỗi cho người Trung Quốc về virus corona, cũng có những người Anh thế kỷ 17 đổ lỗi cho người Hà Lan vì đã truyền nhiễm bệnh dịch hạch. À và những người ở các vùng khác thì đổ lỗi cho người London. Ngài Pepys của chúng ta đã chuyển gia đình đến một ngôi nhà ở Woolwich và viết trong nhật ký của mình rằng “Dân địa phương đang kỳ thị Luân Đôn, chẳng tin bất cứ ai đến từ đó, nên tôi đã buộc phải nói rằng tôi là dân Woolwich gốc đó chứ”.
Đến cuối năm 1666, bệnh dịch đã bắt đầu thuyên giảm ở Anh, nhưng nó gián tiếp dẫn đến một thảm họa khác. Vào mùa thu năm đó, trận đại hỏa hoạn ở Luân Đôn đã phá hủy trung tâm thành phố trong biển lửa kéo dài suốt một tuần. Thiệt hại rất lớn, một phần vì các quan chức thành phố chậm phản ứng, sau khi kiệt sức hơn một năm để đối phó với bệnh dịch hạch. Vụ hỏa hoạn khiến 70.000 người London lâm vào cảnh vô gia cư. Họ cực kỳ tức giận, đe dọa bạo loạn.
Tranh miêu tả trận đại hoả hoạn ở London năm 1666 |
Trong khi thị trưởng London ra lệnh di tản khỏi thành phố, Pepys có những mối quan tâm cấp bách hơn. Trong nhật ký, ông kể cụ thể đã cùng một người bạn đào một cái hố trong vườn của mình, để chôn pho mát Parmazan mà Pepys ưa thích, rượu vang và một số thứ khác .
Vậy đó, ngay cả giữa một sự kiện làm rung chuyển văn minh, con người ta vẫn sẽ tích trữ những thứ kỳ lạ, như giấy vệ sinh - hoặc phô mai.
Bất chấp chiến tranh, bệnh dịch và hỏa hoạn, London vẫn sống sót. Đô thị xây dựng lại tương đối nhanh chóng, tái thiết cơ bản giống như trước đây. Bước sang năm 1667, Pepys lại nhởn nhơ quanh thành phố đang phục hồi, gầy dựng lại các mối quan hệ, tiếp tục theo đuổi chính trị.
Pepys sống sót. Các học giả chỉ không chắc chắn cuối cùng thì ông ta có đào lại được pho mát của mình hay không.