Theo các chuyên gia y tế, mặc dù nước canh sẽ khiến chúng ta dễ nuốt hơn nhưng cũng khiến lượng cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kĩ. Điều này vô cùng nguy hiểm, nếu duy trì thói quen này lâu dài sẽ khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, co bóp nhiều hơn, dễ dẫn đến bệnh dạ dày.
Chuyên gia lý giải, khi nhai thức ăn, enzym trong nước bọt tiết ra hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, rất có lợi cho sức khỏe. Quá trình ăn chậm rãi, nhai kĩ sẽ ăn lượng cơm vừa đủ, không giống khi ta ăn cơm chan canh, ăn "ào ào" một lúc 3-4 bát chưa kịp cảm nhận cảm giác no, rất có hại cho dạ dày. Chan canh ăn cơm khiến quá trình hấp thu dinh dưỡng giảm, tạo cảm giác nhanh no nhưng thực chất lượng dinh dưỡng rất ít, chỉ ăn cơm và canh mà không ăn thức ăn.
Thói quen này nếu các phụ huynh "truyền" lại cho con trẻ sẽ vô cùng nguy hiểm. Thói quen này sẽ tạo thành phản xạ lười nhai, ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cơ hàm ở trẻ, dạ dày trẻ sẽ phải co bóp "vất vả".
Chuyên gia đưa lời khuyên: Ăn lịch sự và đúng cách là uống một bát nước canh trước khi ăn hoặc sau khi hết bữa. Không chan canh hết bát này đến bát khác mà chan canh khi còn 1/3 lượng cơm trong bát, lượng canh vừa đủ.
Khi ăn phải nhai kỹ, chậm rãi để thức ăn mềm như nước rồi mới nuốt, nếu uống nước trong khi ăn cần uống từ từ từng ngụm nhỏ một.
Những người muốn ăn kiêng hoặc giảm cân thì nên uống 1-2 bát canh trước bữa ăn để tạo cảm giác no, ngăn chặn việc ăn quá nhiều cơm. Còn trẻ nhỏ nên cho uống canh sau cùng để tránh làm cho trẻ có cảm giác no, không muốn ăn khi vào bữa.