Với quan niệm cả năm mới có ngày tết nên nhiều gia đình vẫn giữ thói quen lưu trữ thực phẩm dài ngày trong tủ lạnh. Bánh chưng, giòi, thịt gà.. bất kỳ loại thực phẩm gì cũng được bảo quản trong tủ lạnh mà người dân không hề biết thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh vẫn bị hỏng như bình thường.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, BV Bạch Mai cho rằng, thói quen tích trữ đồ ăn ngày Tết của người Việt không thể bỏ bởi đi sâu vào tiềm thức, tâm lý, lo ngại thiếu đồ ăn thì “rông” cả năm; “thừa hơn thiếu”. Nhiều gia đình chất đầy ứ thức ăn trong tủ lạnh, khiến thực phẩm bị giảm chất lượng, thậm chí hỏng nên khi ăn vào bị đau bụng.
Tương tự, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhận định: Dịp Tết Nguyên đán thời tiết miền Bắc mưa phùn, độ ẩm cao, miền Nam nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Do đó người dân không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm.
Ông Phong khảng định: "Đừng coi tủ lạnh là bảo bối vì đây không phải tủ đá, chỉ bảo quản thực phẩm được một thời gian nhất định”.
Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân chỉ nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh một thời gian nhất định. Với thực phẩm tươi sống như thịt chỉ bảo quản 3-5 ngày, đối với cá là 3 ngày. Đối với thực phẩm chín chỉ nên bảo quản tới ngày hôm sau vì để lâu thực phẩm chín sẽ sinh ra độc tố, ngay cả khi đun nấu, chỉ diệt được vi khuẩn còn độc tố do vi khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên.
Theo Khỏe 365