Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng

(Ngày Nay) - Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chiều tối 26/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích ban hành Nghị quyết nhằm kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách Nhà nước cũng như nền kinh tế để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Theo dự án Nghị quyết, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.

Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục cho phép áp dụng chính sách từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc đề xuất ban hành và thực thi chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian qua được thực hiện tương đối manh mún, phần nào thể hiện chất lượng của công tác dự báo và tầm nhìn của việc đề xuất ban hành chính sách, làm ảnh hưởng đến sự chủ động của doanh nghiệp trong hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh...

Do đó, để hướng tới sự ổn định và tính dự báo của hệ thống chính sách thuế giá trị gia tăng đồng thời, bảo đảm đồng bộ với hiệu lực thi hành được quy định trong Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ bảo đảm thời hạn chấm dứt hiệu lực thực hiện của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, không tiếp tục đề nghị kéo dài thời gian thực hiện của chính sách.

Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để bổ sung thêm thông tin đánh giá tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp để đảm bảo dự báo tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hơn, khắc phục tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình Quốc hội cho phép gia hạn áp dụng như việc giảm thuế giá trị gia tăng thời gian vừa qua.

Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; chịu trách nhiệm về điều hành thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách Nhà nước năm 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội, đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và các nhu cầu cấp bách phát sinh.

Cô Haruka Uto cùng 3 robot thú cưng AI. Ảnh: ABC News
Robot thú cưng AI - giải pháp cho "đại dịch cô đơn"
(Ngày Nay) - Haruka Uto sống một mình tại Tokyo (Nhật Bản) cùng một số người bạn lông xù, nhưng chúng không phải là thú cưng thông thường. Hai “vật nuôi” màu nâu và màu xám của cô thực chất là robot trí tuệ nhân tạo (AI) có tên Moflin.
Biểu tượng Tập đoàn công nghệ Mỹ OpenAI. Ảnh: AFP/TTXVN
Cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên với DeepSeek
(Ngày Nay) - Một cuộc rượt đuổi mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra, với sự xuất hiện của DeepSeek, một mô hình AI đầy hứa hẹn từ Trung Quốc, đang làm rung chuyển cán cân quyền lực với các đối thủ từ phương Tây.