Theo Reuters, nhà sản xuất của AstraZeneca vừa công bố vaccine này có hiệu lực 74% trong việc ngăn ngừa F0 có triệu chứng. Riêng với người từ 65 tuổi trở lên, hiệu lực của AstraZeneca tăng lên 83,5%.
Các kết quả này nằm trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của AstraZeneca. Các tác giả xem xét hiệu lực bảo vệ của vaccine trên 26.000 tình nguyện viên ở Mỹ, Chile, Peru, tất cả đều đã được tiêm chủng đầy đủ. Kết quả được công bố trên tạp chí y học New England.
Kết quả cho thấy, trong số 17.600 người được tiêm vaccine, không tình nguyện viên nào mắc COVID-19 có triệu chứng nghiêm trọng hoặc phải nhập viện điều trị ICU. Còn lại, trong 8.500 người được tiêm giả dược, có 2 người đã tử vong.
Ngoài ra, không tình nguyện viên nào gặp tác dụng phụ đông máu hiếm gặp hay huyết khối, giảm tiểu cầu sau khi tiêm AstraZeneca.
Giả dược là thành phần của rất nhiều vaccine đã tiêm cho cộng đồng. Mục đích của việc có thêm nhóm tiêm giả dược là để làm đối chứng với nhóm tình nguyện viên có tiêm vaccine, nhằm đánh giá hiệu quả sinh miễn dịch của vaccine. Bên cạnh đó, giúp tối ưu hóa liều, tìm ra liều sinh đáp ứng miễn dịch tốt nhất.
Theo Bloomberg, cuối năm 2020, AstraZeneca cũng công bố kết quả dựa trên các thử nghiệm ở Anh và Brazil. Họ xem xét 131 người mắc Covid-19 và nhận thấy tiêm đủ hai liều vaccine giúp giảm 62% nguy cơ lây nhiễm nCoV. Trong số những người được tiêm, không trường hợp nào diễn biến nặng, phải nhập viện.
Tiến sĩ nghiên cứu vaccine Anna Durbin, Đại học Johns Hopkins, điều tra viên của thử nghiệm, cho biết: “Tôi rất ngạc nhiên về kết quả này. Nó có khả năng bảo vệ cao chống lại nguy cơ diễn biến nặng, điều trị tích cực”.