Trên thẻ BHYT hiện nay, bên cạnh những thông tin rất rõ ràng và dễ hiểu như họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính... còn có những thông tin khác mà không phải ai cũng hiểu.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó trưởng Ban Sổ - Thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 1351/QĐ-BHXH ngày 16/11/2015 của BHXH Việt Nam, mã thẻ BHYT gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô. Theo đó, hai ký tự đầu (ô thứ nhất): được ký hiệu bằng chữ (theo bảng chữ cái latinh), là mã đối tượng tham gia đầu tiên được xác định theo thứ tự các đối tượng đóng do Luật BHYT quy định.
Ký tự tiếp theo (ô thứ 2): được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 đến 5) là mức hưởng BHYT. Trong đó: Mức 1: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hoá chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật; Mức 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hoá chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); Mức 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hoá chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở; Mức 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hoá chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở; Mức 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT.
Hai ký tự tiếp theo (ô thứ 3): được ký hiệu bằng số (từ 01 đến 99) là mã tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi phát hành thẻ BHYT
Mười ký tự cuối (ô thứ 4): là mã số BHXH (hay số định danh cá nhân) của người tham gia BHXH, BHYT.
Liên quan đến giá trị sử dụng thẻ BHYT, ông Hiếu thông tin, giá trị sử dụng thẻ BHYT là khoảng thời gian người tham gia được sử dụng thẻ BHYT để khám bệnh, chữa bệnh BHYT, tính kể từ thời điểm thẻ BHYT có giá trị sử dụng.
Cụ thể, đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp, thẻ BHYT có giá trị sử dụng kể từ tháng đầu tiên hưởng trợ cấp thất nghiệp ghi trong quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp của cơ quan nhà nước cấp có thẩm quyền.
Đối với trẻ dưới 06 tuổi sinh trước ngày 30/9, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi. Đối với trẻ dưới 06 tuổi sinh sau ngày 30/9, thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến hết ngày cuối của tháng trẻ đủ 72 tháng tuổi
Đối với người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được hưởng trợ cấp xã hội tại quyết định của UBND cấp huyện.
Đối với người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo, Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà được NSNN hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người được phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú thuộc gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở theo quy định của Chính phủ, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày được xác định tại Quyết định phê duyệt danh sách của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người hiến bộ phận cơ thể, thẻ BHYT có giá trị sử dụng ngay sau khi hiến bộ phận cơ thể.
Đối với học sinh, sinh viên: Thẻ BHYT được cấp hằng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Trong đó, đối với học sinh lớp 1: Giá trị sử dụng bắt đầu từ ngày 01/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học; Đối với học sinh lớp 12: Thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm đó.
Ông Hiếu cũng cho biết, thẻ BHYT được cấp hằng năm cho học sinh, sinh viên của cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. ối với học sinh, sinh viên năm thứ nhất của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng từ ngày nhập học, trừ trường hợp thẻ của học sinh lớp 12 đang còn giá trị sử dụng; Đối với học sinh, sinh viên năm cuối của khóa học: Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày cuối của tháng kết thúc khóa học.
Với đối tượng khác, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày nộp tiền đóng BHYT. Trường hợp người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm có mức sống trung bình; người tự đóng BHYT theo hộ gia đình và thân nhân người lao động được người sử dụng lao động đóng BHYT thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng BHYT nếu tham gia lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 03 tháng trở lên trong năm tài chính.
Nói về thời điểm đủ 5 năm liên tục ghi trên thẻ BHYT, ông Hiếu cho biết, theo Luật BHYT sửa đổi số 46/2014/QH13 quy định Quỹ BHYT thanh toán “100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở” được áp dụng kể từ ngày 01/01/2015. Chính vì vậy, ngày 02/12/2014, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã ký Quyết định số 1313/QĐ-BHXH ban hành mẫu thẻ BHYT. Trong đó quy định như sau: “Những người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì ghi từ ngày 01/01/2015. Từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người tham gia BHYT bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì ghi từ ngày đầu tiên của năm thứ 6”.