Phát biểu với báo giới ngày 12/7, các bác sĩ khẳng định đây là bước tiến gần hơn đến mục tiêu dài hạn sử dụng nội tạng của lợn để giải quyết tình trạng thiếu nguồn tạng người để cấy ghép. Các quả tim hoạt động bình thường, không có dấu hiệu đào thải trong 3 ngày thử nghiệm hồi tháng 6 và 7.
Các thử nghiệm trên được tiến hành sau ca ghép tim lợn đầu tiên trên người. Bệnh nhân là một người đàn ông, 57 tuổi, mắc bệnh tim giai đoạn cuối đã được cấy ghép tim lợn biến đổi gene tại Đại học Maryland hồi tháng 1/2022. Tuy nhiên, người này đã qua đời hồi tháng 3 và hiện chưa rõ nguyên nhân vì sao quả tim mới không hoạt động.
Để thực hiện vụ cấy ghép, các nhà nghiên cứu của NYU đã mua tim lợn từ Revivicor Inc và sàng lọc kỹ các quả tim này. Kết quả cho thấy các quả tim không nhiễm virus cytomegalo (CMV) ở lợn, vốn được phát hiện trong máu của bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép tim lợn và có thể là nguyên nhân khiến người đàn ông này tử vong.
Những con lợn có quả tim được cấy ghép đã trải qua 4 lần chỉnh sửa gene để ngăn ngừa đào thải và sự phát triển bất thường của các cơ quan, 6 lần chỉnh sửa nhằm ngăn ngừa sự không tương thích giữa lợn và người.
Trước đó, năm 2021, các nhà nghiên cứu NYU cũng đã cấy ghép các quả thận của lợn vào 2 người chết não. Các nhà khoa học cho rằng việc cấy ghép nội tạng động vật trên những người chết não an toàn hơn trên những bệnh nhân còn sống. Bên cạnh đó, việc cấy ghép này cũng thu được nhiều thông tin hơn do có thể sinh thiết thường xuyên hơn.
Theo Tiến sĩ Robert Montgomery, Giám đốc Viện cấy ghép tạng Langone NYU, khẳng định các nhà nghiên cứu có thể nắm bắt mọi việc diễn ra trong cuộc thí nghiệm kéo dài 72 giờ.
Việc vận chuyển, phẫu thuật và quy trình ức chế miễn dịch trong các ca cấy ghép bộ phận của động vật vào cơ thể người được tiến hành như các ca ghép tạng người thông thường. Các nhà nghiên cứu khẳng định mục tiêu đặt ra là có thể tích hợp các phương pháp được sử dụng trong ca cấy ghép tim thông thường với một cơ quan không phải của người, đồng thời hy vọng các cơ quan được cấy ghép sẽ hoạt động bình thường mà không cần sự hỗ trợ bổ sung từ các thiết bị hoặc thuốc".
Các nhà khoa học khẳng định các thí nghiệm kéo dài 72 giờ đã tạo ra dữ liệu sơ bộ mang đến nhiều câu hỏi cần được giải đáp trước khi bắt đầu cấy ghép tim lợn trên bệnh nhân đang sống.