"Người bằng hạt đậu, người bằng con bò"
Chia sẻ về thu nhập của mình, một BS mới ra trường, về công tác tại bệnh viện (BV) ngành cho biết: "Thu nhập của BS phụ thuộc vào bệnh viện (BV) nào, tuyến nào, cơ chế của từng BV. Ví dụ: Một người mới ra trường, về BV tỉnh công tác, cả lương và phụ cấp rơi vào khoảng 3,9 triệu đồng. BS này muốn tăng thu nhập, bắt buộc phải đi làm thêm".
Trong khi đó, tại Hà Nội, rất nhiều các BS của các BV có thu nhập đáng mơ ước. Một BS công tác lâu năm tại BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ: "Mức thu nhập của BS ở BV chúng tôi thuộc top đầu các BV thuộc Sở Y tế. BS thu nhập cao nhất rơi vào khoảng trên 100 triệu đồng/tháng. Đây là thu nhập hoàn toàn chính đáng, bằng sức lao động bởi họ là những người có tay nghề rất cao. Còn một BS mới về, thu nhập vào khoảng 30 triệu đồng/tháng".
Bàn về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội khóa 14 cho biết: "Về thu nhập của ngành y, tôi xin dùng lời của GS Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, so sánh thu nhập ngành y chênh lệch nhau rất lớn, có người bằng hạt đậu, có người bằng con bò. Thầy Hùng nói rất đúng, tôi cam đoan là như thế. Có những BS kiếm không ra 1 ngày vài trăm nghìn, nhưng có những BS kiếm 40- 50 triệu đồng/ngày. Họ không hề tham nhũng, làm bằng chính công việc, chính tài năng của mình".
Theo GS Trí, có BS ngoài lương, mỗi tháng không có thêm đồng nào nhưng có những BS mổ thêm 1 ca, thứ 7, Chủ nhật làm thêm 1 vài động tác kỹ thuật cũng có thêm vài chục triệu đồng rồi. Chênh lệch thu nhập ghê gớm.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng đó, GS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh: "Đó là do trình độ tay nghề, năng lực chuyên môn rất khác nhau. Hơn nữa, đó là lợi thế về địa điểm làm việc, vị trí cương vị công tác, được ở Hà Nội, có nhiều bệnh nhân, chỉ 5 năm là khác nhau rồi. Về tỉnh làm thêm cũng không có. Có những BS ở Hà Nội làm không hết việc. Có người làm 1 tháng, 6 tháng mới bằng người làm 1 ngày. Đó là điều bất công nhưng phải chấp nhận".
BS cần thu nhập cao, xã hội cần thêm nhiều BS giỏi
Bàn về giải pháp cho vấn đề này, GS Trí cho rằng: "Như tôi đã phân tích, chênh lệch thu nhập của BS là không thể tránh khỏi, nhưng trách nhiệm của Nhà nước là làm sao để việc đó ít nhất trong khả năng có thể. Theo tôi, thứ nhất là công tác đào tạo cán bộ y tế phải xem lại. Đào tạo cán bộ y tế nói chung hiện nay hướng đến việc vì tiền hơn, vì thu nhập hơn trong việc chọn chuyên khoa, ngành, tay nghề, chủ đề mà mình học. Vấn đề là phải thay đổi chính sách về giá, phải có bảng giá phù hợp".
Theo GS Trí, giải pháp quan trọng nữa là trong chính sách phải mở cửa để tạo mọi điều kiện để các BS được làm việc nhiều hơn, có cơ hội tự trau dồi kinh nghiệm cho mình.
Còn về vấn đề BS bỏ BV công ra BV tư, GS Trí cho rằng, bản chất là lựa chọn từ chỗ có thu nhập thấp lên chỗ có thu nhập cao. Việc BS chạy từ viện công qua tư, "đừng coi đó là chảy máu chất xám, đó chỉ là "lọt sàng xuống nia", điều cốt nhất là họ phục vụ tốt cho nhân dân. Cá nhân BS cũng cần thu nhập cao, và quan trọng là xã hội cũng cần có thêm nhiều BS giỏi".
"Thu nhập chung của BS quá thấp, ảnh hưởng chung ngành y tế. Y tế công lập phải xem lại, Bộ Y tế phải xem lại, quyền lợi và chính sách cho BS" - GS Trí đề nghị.
Theo Lao động