Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Tự hào khi UNESCO tôn vinh văn hóa Việt

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Việc UNESCO tôn vinh hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương là sự ghi nhận đối với những giá trị về văn hóa, đạo đức, truyền thống học tập của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Tự hào khi UNESCO tôn vinh văn hóa Việt

Trong năm 2022, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) sẽ cùng Việt Nam kỷ niệm ngày sinh/ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương và danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Quyết định này được UNESCO thông qua ngày 23/11 trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 41 của UNESCO tại Paris (Pháp).

Trong niềm tự hào, ông Đặng Hoàng Giang, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus về quá trình thông qua nghị quyết và những hoạt động sắp tới để tôn vinh hai danh nhân của Việt Nam.

Lan tỏa giá trị văn hóa Việt

- Quá trình thực hiện hồ sơ đề nghị UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương diễn ra thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Từ năm 2020, Bộ Ngoại giao và Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh Bến Tre và Nghệ An cùng với các nhà khoa học xây dựng và hoàn thiện hai hồ sơ trình UNESCO cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương. Hai hồ sơ đã được đệ trình UNESCO vào tháng 12/2020 theo đúng quy định.

Các hồ sơ đề cử cần đáp ứng các tiêu chí do UNESCO đề ra, đặc biệt là phải phù hợp với lý tưởng và sứ mệnh của tổ chức UNESCO trên các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, khoa học, thông tin truyền thông, góp phần thúc đẩy hòa bình, đối thoại văn hóa, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, đồng thời mỗi sự kiện, nhân vật đề cử phải có tầm ảnh hưởng rộng rãi, được biết đến cả ở bên ngoài quốc gia đề cử.

Tại Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 211, danh sách các hồ sơ của các nước, trong đó hai hồ sơ của Việt Nam đã được đưa ra thảo luận và thông qua. Theo quy định, Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 (diễn ra từ ngày 9-24/11 tại Paris) đã thông qua danh sách tổng thể các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022-2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có hồ sơ của hai danh nhân Việt Nam.

- Xin ông cho biết nghĩa của việc được UNESCO thông qua nghị quyết cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất hai danh nhân của Việt Nam?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: UNESCO đã từng thông qua nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm ngày mất của nhà giáo Chu Văn An (2019) và nay là danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ sỹ Hồ Xuân Hương.

Đây là sự ghi nhận của UNESCO và cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, đạo đức, truyền thống học tập, tư tưởng về bình đẳng giới và giải phóng phụ nữ của Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam, tấm gương vượt lên những khó khăn của cuộc sống và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời của UNESCO, thơ văn của ông đậm tính nhân văn, khích lệ lòng yêu nước, ca ngợi những con người sẵn sàng làm việc nghĩa, vì lợi ích cộng đồng.

Hồ Xuân Hương là một trong những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, được biết đến như “Bà chúa thơ Nôm.” Với tư tưởng mới mẻ cùng lối làm thơ phá cách, ngôn ngữ bình dị và sáng tạo, các tác phẩm của bà đã đem lại nhiều ý nghĩa, giá trị và sức sống lâu bền từ quá khứ đến hiện tại. Các tác phẩm thơ của bà cũng mang nhiều nội dung về bình đẳng giới, đấu tranh cho việc giải phóng phụ nữ ở Việt Nam.

Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào và niềm vui chung của tỉnh Bến Tre và tỉnh Nghệ An nói riêng cũng như của toàn thể người dân Việt Nam nói chung. Việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm nhằm tôn vinh và ghi nhận những thành tựu của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ sỹ Hồ Xuân Hương theo yêu cầu của UNESCO góp phần quảng bá hình ảnh con người và văn hóa của tỉnh Bến Tre và Nghệ An nói riêng và của Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế, làm phong phú đời sống tinh thần, tâm hồn con người Việt Nam, lan tỏa các giá trị về tình thương, lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng của xã hội Việt Nam.

Hội nhập quốc tế sâu rộng

- Vinh dự này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Hội nghị Văn hóa Toàn quốc vừa diễn ra ngày 24/11, thưa ông?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Quá trình xây dựng và gửi hồ sơ cũng chứng tỏ nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc về việc tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là "nền tảng tinh thần," "động lực phát triển" và "soi đường cho quốc dân đi."

- Tiếp sau đây, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, tỉnh Bến Tre, tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan sẽ có những kế hoạch như thế nào để tôn vinh các danh nhân?

Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang: Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, tỉnh Bến Tre và Nghệ An trong việc tôn vinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và nữ sỹ Hồ Xuân Hương.

Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với tỉnh Bến Tre và tỉnh Nghệ An tổ chức một số hoạt động kỷ niệm theo như cam kết với UNESCO, cụ thể là trưng bày triển lãm con người và sự nghiệp các danh nhân, gửi trưng bày trên môi trường kỹ thuật số đến UNESCO, tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương.

- Xin trân trọng cảm ơn ông./.

Từ Paris, đại sứ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân chia sẻ: "UNESCO và các nước thành viên đã thông qua nghị quyết cùng tôn vinh các danh nhân Việt Nam, cùng kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sỹ Hồ Xuân Hương vào năm 2022. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị của dân tộc Việt Nam về văn hóa, lịch sử, truyền thống học tập, bình đẳng giới... rất phù hợp với những giá trị mà UNESCO đang thúc đẩy; đưa đến thế giới một hình ảnh Việt Nam đổi mới, năng động, nhưng vẫn giữ được bản sắc truyền thống của dân tộc.".

Theo Vietnamplus
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.