Ngày 26/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 (VFVC).
Quỹ này sẽ tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và sử dụng vaccine cho người dân.
VFVC cũng có nhiệm vụ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc vận động quyên góp, tài trợ hoạt động.
Quỹ sẽ do Bộ Tài chính ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động, quản lý và sử dụng. Cụ thể, VFVC là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách nhà nước và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quỹ có tư cách pháp nhân và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền quyết định chi của Quỹ sẽ do Bộ Y tế chủ trì đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19 và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bên cạnh đó, Quỹ sẽ tự chấm dứt hoạt động và giải thể sau khi cơ quan có thẩm quyền công bố hoàn thành việc tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 cho người dân. Khi đó, số dư Quỹ (nếu có) sẽ được nộp toàn bộ vào ngân sách Trung ương để bổ sung nguồn lực mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
Theo Quyết định, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phát huy trách nhiệm trong công tác vận động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho Quỹ; thực hiện giám sát để đảm bảo quản lý, sử dụng Quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch, hiệu quả.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký (26/5).
Theo tính toán của Bộ Y tế, dự kiến việc mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người sẽ có tổng kinh phí khoảng 25.200 tỷ đồng.
Trong số đó, kinh phí mua vaccine 21.000 tỷ đồng, kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng 4.200 tỷ đồng.
Phía Bộ Tài chính cho biết nguồn kinh phí để mua vaccine, ngân sách trung ương dự kiến phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, đảm bảo cho các đối tượng do trung ương quản lý và hỗ trợ ngân sách địa phương khó khăn. Bên cạnh đó, ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức khoảng 9.200 tỷ đồng.