Thủ tướng nói về cơ chế đặc biệt để thực hiện Nghị quyết 57

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trước đó, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Tờ trình do Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trình bày cho thấy, điểm đáng chú ý trong dự thảo Nghị quyết về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quy định về cơ chế tự chủ của tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, cán bộ, tài chính, chuyên môn.

Viên chức, viên chức quản lý làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Bổ sung quy định về miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định nguyên tắc về áp dụng khoán chi đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, bao gồm cả nội dung khoán chi đến sản phẩm cuối cùng; nguyên tắc kinh phí nhà nước cấp cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông qua quỹ. Quy định các quỹ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thành lập theo quy định của pháp luật khoa học và công nghệ và từ nhiều nguồn khác nhau.

Cùng với đó là quy định về ưu đãi thuế cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; về phát triển công nghệ chiến lược; tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Đối với nội dung về chuyển đổi số quốc gia, dự thảo này quy định, đối với hoạt động chuyển đổi số quốc gia, bao gồm nền tảng số dùng chung, chỉ định thầu cho các gói thầu. Đối với hoạt động phát triển hạ tầng số, bao gồm hạ tầng 5G, cáp viễn thông kết nối quốc tế trên biển, thí điểm dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Đối với hoạt động phát triển công nghiệp công nghệ số chiến lược (bán dẫn), ngân sách trung ương hỗ trợ để xây dựng Nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu triển khai Nghị quyết xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.

Trong báo cáo thẩm tra về việc thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ (Điều 5), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ quy định này có thể phát sinh rủi ro, xung đột lợi ích và thiếu cơ chế kiểm soát tài sản công. Về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (Điều 6), làm rõ cơ quan nào quyết định cho tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự; cần quy định để xác định được tổ chức, cá nhân đã làm, đã nỗ lực hết sức, đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định nhưng vẫn xảy ra rủi ro.

Về cơ chế, chính sách trong chuyển đổi số quốc gia, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với các cơ chế, chính sách về vấn đề này, tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu giới hạn các dự án, gói thầu cụ thể được áp dụng chỉ định thầu; làm rõ cơ sở quy định thời gian thí điểm về đầu tư, thuê, mua sắm, đấu thầu phục vụ hoạt động chuyển đổi số chỉ áp dụng giai đoạn 2025-2026.

Ủy ban này cũng đề nghị có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhanh hạ tầng mạng 5G (Điều 14); làm rõ căn cứ quy định mức hỗ trợ; cân nhắc quy định này vì doanh nghiệp có thể tự đầu tư, có thể sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích hỗ trợ các doanh nghiệp này.

Cơ chế đặc biệt

Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững phải dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đây là yêu cầu khách quan. Vì vậy, cần tháo gỡ thể chế và Chính phủ đã chỉ đạo tập trung sửa một loạt các luật như: Luật Ngân sách, Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học, công nghệ…, chậm nhất trong năm nay, một số luật có thể trình tại Kỳ họp Quốc hội trong tháng 5 này.

Để Nghị quyết 57 đi vào cuộc sống ngay, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Dự thảo Nghị quyết tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện Nghị quyết 57 nên cũng chưa bao trùm, toàn diện hết các vấn đề, vì vậy phải tiếp tục sửa các luật khác.

Cho biết khi xây dựng dự thảo đã có tính đến nhưng phải cụ thể thêm thì mới thực hiện được Nghị quyết 57, mới thực sự là đổi mới, theo Thủ tướng, phải nghiên cứu bổ sung thêm cơ chế đặc biệt chứ không phải đặc thù. Trong đó, "đặc biệt" trong phát triển kết cấu hạ tầng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, bởi hạ tầng của chúng ta đang còn rất yếu. Trong khi nguồn lực cần rất lớn, vì vậy phải có cơ chế để huy động nguồn lực hợp tác công tư, từ doanh nghiệp, từ xã hội và người dân.

Ông cho rằng, cần "cơ chế đặc biệt" cho quản lý trong hoạt động khoa học công nghệ, trong đó có lãnh đạo công và quản trị tư, đầu tư công và quản lý tư, đầu tư tư nhưng sử dụng công.

"Ví dụ trong đầu tư công và quản lý tư, có thể đầu tư cho một hạ tầng khoa học công nghệ của Nhà nước nhưng giao cho tư nhân quản lý. Cơ chế đặc biệt là như thế. Hay lãnh đạo công tức là chúng ta thiết kế chính sách, pháp luật, công cụ giám sát, kiểm tra, còn lại quản trị thì giao cho doanh nghiệp", Thủ tướng dẫn chứng.

Thủ tướng cũng cho rằng cần "cơ chế đặc biệt" cho các nhà khoa học, công trình khoa học có thể thương mại hóa; "cơ chế đặc biệt" trong thủ tục; phân cấp, phân quyền cho tỉnh, thành phố, bộ, ngành; xóa bỏ cơ chế xin-cho, giảm thủ tục hành chính...

Đề cập đến vấn đề miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro đối với người soạn thảo nhưng chưa có cơ chế miễn trừ cho người thực hiện, Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề khó, là khâu yếu, nếu không có cơ chế bảo vệ người thực hiện thì sẽ dẫn đến tình trạng sợ trách nhiệm, "chuyển chỗ này, chỗ khác", "không muốn làm vì không được bảo vệ". Cần thiết kế thêm cơ chế miễn trừ trách nhiệm khi xảy ra rủi ro cho cả người thực hiện và người thiết kế chính sách.

Thủ tướng cũng nhắc đến "cơ chế đặc biệt" trong thu hút nguồn nhân lực; cho biết sẽ có cơ chế để thu hút người làm ngoài khu vực nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nhân lực nước ngoài vào Việt Nam. Các chính sách sẽ gồm thuế, phí, lệ phí, nhà cửa, đất đai, visa và hợp đồng lao động...

Từ các “cơ chế đặc biệt” nêu trên, Thủ tướng cho biết sẽ thiết kế “công cụ đặc biệt” để quản lý, để không xảy ra vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...

Chia sẻ trong quá trình nghiên cứu khoa học cần có sự đột phá thì phải chấp nhận hoặc thành công, hoặc thất bại, "cần chấp nhận rủi ro, có độ trễ trong nghiên cứu khoa học", Thủ tướng cho rằng, cần xem đó như là học phí, đầu tư đào tạo cho nguồn lực, để có thêm "kiến thức, kinh nghiệm, bản lĩnh, trí tuệ".

Đại tướng Phan Văn Giang: Cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành là hiện thân của sức mạnh Quân đội
Đại tướng Phan Văn Giang: Cán bộ, chiến sĩ tham gia diễu binh, diễu hành là hiện thân của sức mạnh Quân đội
(Ngày Nay) - Sáng 25/3, tại Trung tâm Huấn luyện Quân sự quốc gia 4, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì kiểm tra hợp luyện lực lượng quân đội, dân quân tự vệ tham gia diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Thủ tướng Phạm Minh Chính “đặt hàng” 3 yêu cầu và đề nghị Thanh niên Việt Nam thực hiện “5 chủ động”
Thủ tướng Phạm Minh Chính “đặt hàng” 3 yêu cầu và đề nghị Thanh niên Việt Nam thực hiện “5 chủ động”
(Ngày Nay) - Nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và Tháng Thanh niên 2025, chiều 24/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên về "Thanh niên Việt Nam tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia".
Nhộn nhịp thị trường tế bào gốc: Cấm vẫn cứ làm!
Nhộn nhịp thị trường tế bào gốc: Cấm vẫn cứ làm!
(Ngày Nay) - Bộ Y tế Việt Nam cấm sử dụng các sản phẩm tế bào gốc người và động vật để phục vụ mục đích làm đẹp nhưng “có cầu ắt có cung”, hàng loạt doanh nghiệp “núp bóng” phòng khám đang lén lút kinh doanh dịch vụ triệu đô này.
Australia gặp khó trong việc đẩy mạnh chiến dịch mua hàng nội địa
Australia gặp khó trong việc đẩy mạnh chiến dịch mua hàng nội địa
(Ngày Nay) - Chính phủ Australia đang đẩy mạnh nỗ lực khuyến khích người tiêu dùng ở quốc gia châu Đại Dương này mua hàng nội địa, do Australia sản xuất. Bộ trưởng Tài chính Australia Jim Chalmers mới đây xác nhận, ngân sách liên bang sẽ bao gồm các biện pháp nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua "các sản phẩm tuyệt vời của Australia". Tuy nhiên, nỗ lực này đang đối mặt với nhiều rào cản.