Trả lời tờ Nikkei Asia của Nhật Bản, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết: “Tình hình thật tệ, nếu nhìn vào mức tăng trưởng GDP quý 3 là 1,5%. Không cần chỉ số ở mức âm mới được coi là tệ".
“Chúng tôi đang cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài từ nhiều nơi trên thế giới. Nếu các quốc gia khác đang tăng trưởng ở mức 3% hoặc 5% xung quanh bạn và bạn đang tăng trưởng ở mức 1,5%, tôi nghĩ bạn có vấn đề”, ông Srettha nói.
Nền kinh tế Thái Lan đã tụt hậu so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á. Đảng Pheu Thai của ông Srettha đã hứa với cử tri rằng chính phủ sẽ giữ mức tăng trưởng kinh tế 5% mỗi năm trong nhiệm kỳ của mình - mức chưa từng đạt được kể từ năm 2012. Mức tăng trưởng 1,5% so với cùng kỳ trong quý 3 là do xuất khẩu yếu và đà phục hồi du lịch không như kỳ vọng.
Thủ tướng Srettha cho biết việc triển khai chính sách ví kỹ thuật số cho người dân có thu nhập thấp và trung bình vẫn có thể diễn ra vào tháng 5 năm sau. Kích thích tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của chính quyền của ông Srettha, cùng với việc giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và thu hút đầu tư nước ngoài.
Chương trình ví kỹ thuật số sẽ "bơm" 500 tỷ baht (14 tỷ USD) vào nền kinh tế thông qua việc phân phát 10.000 baht (280 USD) cho những người trưởng thành có thu nhập dưới 70.000 baht mỗi tháng để chi tiêu.
Ông Srettha, người đồng thời giữ chức Bộ trưởng Tài chính, cho biết: “Tôi ở đây để đảm bảo phúc lợi của người dân được nâng lên mức cao hơn. Tôi cũng tin vào việc đưa Thái Lan phát huy hết tiềm năng của mình”.
Dự báo tăng trưởng năm 2023 của Thái Lan đã được hạ xuống mức 2,5% vào tháng trước và dao động từ 2,7% đến 3,7% trong năm tới. Nhưng các nhà kinh tế đã bác bỏ đánh giá của Thủ tướng Srettha về một cuộc khủng hoảng, khuyến nghị chính phủ nên tập trung vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và con người thay vì thúc đẩy tiêu dùng.
Ông Srettha bất ngờ trở thành Thủ tướng Thái Lan vào tháng 8 năm ngoái, sau khi đảng Pheu Thai thành lập một liên minh với các đảng bảo thủ và được quân đội hậu thuẫn mà trước đây họ từng phản đối.
Đảng Pheu Thai giữ các vị trí quan trọng trong nền kinh tế, nhưng đã trao quyền kiểm soát các lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp và nội vụ cho đảng của cựu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Để tạo sự tương phản với người tiền nhiệm, ông Srettha tự gọi mình là "nhân viên bán hàng" của Thái Lan, thường xuyên đi du lịch để đảm bảo đầu tư nước ngoài. Vào tháng 11, chính quyền của ông đã thu được 300 tỷ baht cam kết đầu tư từ ba tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ bao gồm Amazon, Google và Microsoft. Ông cũng cho biết Thái Lan sắp đạt được thỏa thuận với Tesla và các công ty công nghệ khác.
Srettha, người từng lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản Sansiri trước khi tranh cử chức thủ tướng, cho biết: “Trong 10 năm qua, chúng tôi đã không mở cửa kinh doanh. Các ưu đãi về thuế mà chúng tôi cung cấp và sự sẵn có của năng lượng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng".
Một vấn đề khiến ông Srettha đau đầu là chính sách ví kỹ thuật số của ông đang phải đối mặt với sự chậm trễ cũng như các rào cản về lập pháp và hiến pháp. Điều này làm dấy lên mối lo ngại về rủi ro chính trị cho đảng Pheu Thai và dự đoán rằng ông Srettha có thể bị buộc phải từ chức vào giữa năm sau.
"Không, tôi sẽ không từ chức. Tại sao tôi phải làm vậy?", ông Srettha nói. "Tôi là người lãnh đạo chính phủ và tôi đã vạch ra con đường cho đất nước này đi. Tất cả các thành viên của các đảng trong chính phủ đều nhận ra những gì đất nước cần và họ đang cố gắng thực hiện, dưới sự lãnh đạo của tôi".