Ngành du lịch Đông Nam Á nỗ lực thu hút khách dịp cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Làn sóng trở lại của du khách Trung Quốc không được như kỳ vọng khiến ngành du lịch các nước Đông Nam Á ảm đạm dịp cuối năm.
Ngành du lịch Đông Nam Á nỗ lực thu hút khách dịp cuối năm

Một dấu hiệu cho thấy Thái Lan đang tuyệt vọng trong việc thu hút khách du lịch Trung Quốc quay trở lại đó là đề xuất gây tranh cãi về việc cho phép cảnh sát Trung Quốc tuần tra các điểm tham quan của nước này.

Lượng khách Trung Quốc đến Thái Lan dự kiến ​​sẽ chỉ đạt 1/3 so với mức trước đại dịch trong năm nay, một khởi đầu không mấy suôn sẻ đối với quốc gia vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu nhập từ khách du lịch như Thái Lan.

Bà Thapanee Kiatphaibool - người đứng đầu Cơ quan Du lịch Thái Lan, cho biết tin đồn về các vụ lừa đảo nhắm vào khách du lịch Trung Quốc đã có “tác động khá lớn”. Cái chết của một du khách Trung Quốc trong vụ xả súng vào tháng 10 tại trung tâm thương mại ở Bangkok càng khiến tình hình trở nên u ám.

Thái Lan đang cố gắng tân trang hình ảnh của mình và dập tắt những tin đồn trên mạng. “Chúng tôi không thể loại bỏ hoàn toàn tin giả, nhưng chúng tôi đang hợp tác với các công ty truyền thông xã hội để truyền bá thông tin chính xác về Thái Lan”, bà Thapanee nói.

Sau phát biểu của bà Thapanee vài ngày, chính quyền Bangkok được cho là đang đàm phán để cho phép cảnh sát Trung Quốc tuần tra trên đường phố Thái Lan.

Khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại vào tháng 1, ngành du lịch Đông Nam Á lạc quan rằng doanh thu từ du lịch sẽ tăng vọt.

Tuy nhiên, sự quay trở lại chậm chạp của khách du lịch Trung Quốc đã cản trở sự phục hồi của các hãng hàng không, khách sạn và tập đoàn bán lẻ trong khu vực. Cùng với những lo ngại về an ninh, đà suy thoái của nền kinh tế và các chương trình khuyến mãi du lịch trong nước kém hấp dẫn đang khiến người Trung Quốc chọn cách thắt lưng buộc bụng.

Điều này dẫn đến thu nhập quý 3 của các doanh nghiệp trong ngành du lịch ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Việt Nam và Singapore có phần chậm chạp.

Hiện các chính phủ và doanh nghiệp đang chờ đợi những nỗ lực như miễn thị thực cho công dân Trung Quốc và một số thị trường trọng điểm khác để cải thiện doanh thu du lịch cuối năm 2023.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 2 năm nay, hãng hàng không quốc gia Thai Airways đã lên kế hoạch tăng công suất thị trường Trung Quốc lên 60% so với mức trước đại dịch, nhưng chỉ đạt được 40%.

Ông Korakot Chatasingha, giám đốc điều hành thương mại của Thai Airways, cho biết: “Trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng của Trung Quốc, chúng tôi chứng kiến số lượng hành khách tăng cao nhưng sau đó dần sụt giảm. Chúng tôi hiểu rằng nền kinh tế trong nước là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến lượng khách đi du lịch".

Với ngân sách eo hẹp của hành khách, các hãng hàng không giá rẻ như Thai Air Asia đã ăn nên làm ra trong năm nay. Nhu cầu đối với các đường bay Trung Quốc của Thai Air Asia tiếp tục phục hồi, tăng 8% so với quý II.

Tại Singapore, sự phục hồi của hãng hàng không giá rẻ Scoot đã đóng góp một phần vào lợi nhuận nửa năm kỷ lục của Singapore Airlines là 1,4 tỷ đô la Singapore (1 tỷ USD), tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công suất các đường bay tới Trung Quốc chỉ phục hồi được 75% so với mức tháng 1 năm 2020, nhưng tổng công suất của Singapore Airlines dự kiến sẽ đạt 92% mức trước đại dịch vào cuối năm nay.

Tại Philippines, hãng hàng không giá rẻ Cebu Pacific đã hoãn việc mở tuyến Manila-Bắc Kinh đến năm 2024, trong khi hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines nối lại các chuyến bay đến Bắc Kinh và Thượng Hải vào tháng 2.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục để mắt đến thị trường Trung Quốc, đồng thời là thị trường Ấn Độ, nơi chúng tôi áp dụng các biện pháp miễn thị thực. Các nước phía Tây sẽ là thị trường quan trọng đối với chúng tôi", ông Korakot của hãng Thai Airways cho biết.

Trước sự trì trệ của thị trường Trung Quốc, các nền kinh tế Đông Nam Á đã hướng mắt sang Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, cũng như các nước láng giềng trong khu vực. Malaysia hiện là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, trong khi khách Indonesia là khách đến Singapore nhiều nhất và khách Hàn Quốc là thị trường số một của Việt Nam.

Thái Lan áp dụng chương trình miễn thị thực cho du khách đến từ Trung Quốc và Kazakhstan từ ngày 25/9 đến cuối tháng 2, cũng như miễn thị thực cho khách Nga đến tháng 4 và khách du lịch Ấn Độ và Đài Loan cho đến tháng 5.

Chính phủ Thái Lan kỳ vọng việc miễn thị thực sẽ thu hút thêm 500.000 đến 700.000 khách du lịch Trung Quốc. Kể từ khi triển khai, lượng khách Trung Quốc hàng ngày đã tăng từ 13.200 lên 16.800, trong khi hành khách Ấn Độ tăng từ 5.100 lên 6.100 mỗi ngày.

Dù vậy, khi du khách Trung Quốc đi du lịch Đông Nam Á, họ không chi tiêu nhiều như trước. Ngân hàng HSBC lưu ý rằng mức chi tiêu của du khách Trung Quốc trong tháng 10 năm nay vẫn chỉ bằng 81% so với cùng kỳ năm 2019.

Những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm hỗ trợ du lịch nội địa có thể làm lu mờ hy vọng bùng nổ dịp cuối năm của Đông Nam Á.

Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno chỉ ra: "Các chuyến bay từ Trung Quốc đến Bali và Jakarta đã không trở lại như chúng tôi mong đợi. Nguyên nhân không chỉ là do kinh tế suy thoái mà còn do các quy định ở Trung Quốc nhằm thúc đẩy du lịch nội địa".

Theo Nikkei Asia
Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).