Trong chương trình Vua Đầu Bếp Mỹ (Master Chef US) mùa thứ tư, vị đầu bếp tài hoa đến từ Ý do “phải lòng” nước mắm Việt nên đã dùng thức chấm độc đáo này để sáng tạo món ăn Ý cho bài dự thi. Hay một cậu bé 12 tuổi gốc Việt Vua Đầu Bếp phiên bản nhí (Master Chef Junior) mùa 2, cũng liên tục gây ấn tượng với ban giám khảo khó tính bằng những món ăn Việt với nước mắm là gia vị chính.
Đặc biệt, nói đến nước mắm Việt, hẳn ai cũng biết đến nước mắm Phú Quốc - thứ chất lỏng sóng sánh màu cánh gián, và đậm đà vị biển cả. Nước mắm Phú Quốc có nét đặc trưng riêng không giống bất cứ loại nước mắm của vùng nào, từ mùi thơm hấp dẫn, đến sắc màu sáng trong và vị mặn đậm đà xem kẽ với vị ngọt hậu quyến luyến khó tả. Nhờ những ưu điểm về sắc-hương-vị này, nước mắm Phú Quốc trở thành một trong số ít loại nước mắm chinh phục được khẩu vị cả 3 miền.
Để có được hương vị say đắm lòng người như vậy, giọt nước mắm nơi xứ đảo đã phải trải qua cả một hành trình dài với biết bao tỉ mẩn và tinh tế trong từng công đoạn. Những chú cá cơm lấp lánh ánh bạc, sau khi được kéo lên, liền được ngư dân chượp ngay với muối tinh để giữ cho cá tươi ngon. Đây là điểm khác biệt quan trọng của nước mắm Phú Quốc so với các vùng khác, giúp nước mắm làm ra không bị nặng mùi khó chịu.
Để ủ ra nước mắm Phú Quốc chính hiệu, nghệ nhân nơi đây chỉ sử dụng nguồn cá cơm chất lượng cao được đánh bắt ở vùng biển Phú Quốc.
Sau khi loại bỏ cá tạp, nghệ nhân làm mắm xứ đảo mới đưa chượp (cá đã ướp muối) về nhà thùng để bắt đầu hành trình tiếp theo.Tại đây, chượp được đưa vào những chiếc thùng gỗ khổng lồ, và nghỉ yên suốt 9, đến 12 tháng, từ từ “chuyển mình” thành những giọt nước mắm trong veo, đậm đà.
Nhà thùng nước mắm Phú Quốc - nơi chượp được ủ suốt 12 tháng. Thùng gỗ ủ chượp được làm từ những loại gỗ quý chỉ có trong rừng nguyên sinh Phú Quốc.
Thêm một yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của nước mắm Phú Quốc, đó là phương pháp ủ gài nén yếm khí được lưu truyền từ lâu đời. Nếu ở những địa phương khác, chượp thường xuyên được khuấy đảo để mau chín, thì ở Phú Quốc, cá và muối được từ từ ngấm vào nhau một cách tự nhiên, không cần sự tác động. Tuy thời gian ủ có lâu hơn gấp 2, 3 lần, nhưng cũng thật xứng đáng khi thành phẩm có được là giọt nước mắm sóng sánh màu cánh gián với hương vị độc đáo say lòng người.
Một nhân viên trong nhà thùng nước mắm Nam Ngư ở Phú Quốc đang thực hiện quy trình gài nén yếm khí.
Thành phẩm thơm lừng, quyến rũ với màu cánh gián trong suốt sau gần 1 năm ủ chượp.
Trong suốt thời gian được ủ, nước mắm sẽ được các nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm cẩn thận kiểm tra chất lượng mỗi ngày, để cho ra những giọt mắm đạt chuẩn cả về sắc, hương, vị.
Được biết, đảo ngọc Phú Quốc đã lưu truyền nghề sản xuất nước mắm hơn 200 năm và là một trong những nơi cung cấp nhiều nước mắm cá cơm nhất nước, với hơn 100 nhà thùng lớn nhỏ. Trong đó, một trong những nhà thùng lớn nhất hiện nay là nhà thùng nước mắm Nam Ngư với quy mô gần 150 thùng gỗ, góp phần duy trì nét đẹp tinh tế, tỉ mỉ của nước mắm Phú Quốc, để mang đến cho nền ẩm thực Việt một loại thức chấm tinh tế, độc đáo làm xiêu lòng cả 5 châu.
Theo Vietnamnet