Tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng không chỉ giới hạn ở các mô hình hợp tác quảng cáo, truyền thông thương hiệu, báo chí và doanh nghiệp có thể mở rộng hợp tác ở nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, xu hướng marketing bằng nội dung cũng là phương thức hợp lý và hiệu quả mà báo chí và doanh nghiệp cần đẩy mạnh triển khai. Báo chí và doanh nghiệp cũng có thể hợp tác trong các hoạt động tuyên truyền, định hướng khuynh hướng tiêu dùng xanh và phát triển bền vững…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, cần thiết phải định hình lại mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, cả về phương thức và mô hình hợp tác, mục đích cũng như kỳ vọng mỗi bên. Hiện quan hệ doanh nghiệp và báo chí vẫn còn đặt nặng ở hình thức quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, trong khi đó báo chí ít nhiều không còn ưu thế trong việc này. Cần có thêm những phương thức hợp tác khác giữa báo chí và doanh nghiệp để có thể khai thác, phát huy những giá trị của mỗi bên. Ở góc độ quản lý nhà nước sẽ tiếp tục có những giải pháp mạnh mẽ để có thể điều tiết dòng tiền quảng cáo trên không gian mạng đi vào những kênh nội dung “sạch”.
Ông Nguyễn Bá, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet nhận định, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn phải cắt giảm các loại chi phí, bao gồm cả chi phí marketing, quảng cáo. Trong khi đó, báo chí bị cạnh tranh gay gắt bới các kênh quảng cáo hiện đại. Thống kê cho thấy, khoảng 50% doanh thu truyền thông đang “chảy” vào nền tảng xuyên biên giới, mạng xã hội. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chưa thận trọng trong tác nghiệp, đưa thông tin sai lệch, không khách quan, có mục tiêu trục lợi... tạo ra một số định kiến trong mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Bá, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí tạo ra những giá trị, động lực lâu dài trong phát triển, lan tỏa giá trị mỗi bên. Nền tảng cho quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp và báo chí chính là đạo đức, đó là đạo đức báo chí và đạo đức doanh nghiệp; cùng với đó là sự minh bạch và chủ động của mỗi bên. Mối quan hệ báo chí và doanh nghiệp có thể tiếp tục mở rộng theo nhiều mô hình khác nhau, có thể kể đến như: Hợp tác để tư vấn; hợp tác content marketing; tài trợ và đối tác; tổ chức sự kiện.
Góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông, đối ngoại và quản lý bền vững Unilever Việt Nam cho rằng, bên cạnh việc doanh nghiệp phải đảm bảo sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý, để thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh hướng đến phát triển bền vững cần thực hiện truyền thông tốt hơn, đa dạng hơn. Trong đó, vai trò và tiếng nói của báo chí giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, nâng cao độ tin cậy của người dân với sản phẩm của doanh nghiệp; từ đó, nhận thức và hành vi tiêu dùng của người dân có sự điều chỉnh tích cực theo hướng tiêu dùng có trách nhiệm.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong truyền thông quảng cáo, các nhãn hàng thường chạy theo lượng view chứ chưa quan tâm đến chất lượng view. Trong khi đó, đã có những thống kê chứng minh rằng 43% view trên mạng xã hội hiện nay là view xấu, view không có tác dụng. Việc các nhãn hàng chỉ chạy theo lượng view cũng kéo theo xu hướng những người làm nội dung chạy theo nội dung thu hút view, thường là những nội dung độc hại, nhảm nhí. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chiến dịch, thông điệp làm nội dung sạch sống khỏe, làm nội dung sạch mới được sống. Bộ rất mong các đại lý quảng cáo, nhãn hàng ủng hộ chiến dịch này bằng việc ưu tiên quảng cáo ở những kênh thực hiện nội dung sạch. Bộ sẽ giới thiệu tới các doanh nghiệp, nhãn hàng, đại lý quảng cáo danh sách những kênh nội dung sạch (white list). Cùng với việc doanh nghiệp, đại lý quảng cáo thay đổi nhận thức và hành động, báo chí cũng buộc phải đổi mới, nhất là phải chuyển đổi số để có thể đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu của doanh nghiệp.