Thực hiện lời dạy của Bác, chung tay phủ xanh những cánh rừng

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Mỗi độ xuân về chúng ta lại nhớ đến “Tết trồng cây” do Bác phát động vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1960.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ rừng nói riêng. Người nhấn mạnh việc con người ngoài việc khai thác thì cũng cần chú trọng đến việc bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ tài nguyên rừng. Khi kẻ thù sang xâm lược nước ta ngoài việc tàn phá của cải, sát thương con người thì cũng đồng thời khai thác một cách kiệt quệ các nguồn tài nguyên quý báu của dân tộc để đưa về nước. Người kịch liệt phê phán việc khai thác, chặt phá rừng bừa bãi của thực dân Pháp cho tới hành động sử dụng chất độc hóa học làm hư hại cả những cánh rừng lớn của đế quốc Mỹ. Hậu quả của những hành động đó đã gây ra những ảnh hưởng đến đất nước, con người kéo dài cho đến mãi cả ngày hôm nay.

Người luôn kêu gọi việc giữ gìn, bảo vệ rừng vì “nếu rừng cạn kiệt sẽ không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lũ lụt và hạn hán”. Rừng là yếu tố đảm bảo cân bằng cho môi trường tự nhiên và điều hòa khí hậu. [1]. Người nhấn mạnh việc cần linh hoạt kết hợp giữa khai thác với bảo vệ, tu bổ rừng vì những hoạt động đó sẽ ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác nhau từ kinh tế, chính trị cũng như đời sống của người dân.

Theo Người “Trồng cây sẽ có gỗ để làm nhà. Cây cối còn làm cho đất nước tươi đẹp, người đi đường có cây cao bóng mát để nghỉ ngơi. Cây cối còn ảnh hưởng tốt tới khí hậu và sức khỏe của nhân dân” [2]. Và “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây. Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” [3]. Điều đó cho thấy, tất cả những hoạt động đó đều vì lợi ích của con người, vì sự phát triển cho muôn đời sau. Mỗi độ xuân về chúng ta lại nhớ đến “Tết trồng cây” do Bác phát động vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1960.

Từ đó về sau ngày Tết trồng cây trở thành phong trào rộng khắp, là một nét đẹp được các cơ quan, đơn vị thực hiện thường xuyên. Trước lúc qua đời, Người vẫn nhắc rằng “Nên có kế hoạch trồng cây trên và chung quanh đồi. Ai đến thăm thì trồng một vài cây làm kỷ niệm. Lâu ngày cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp. Việc săn sóc nên giao phó cho các phụ lão” [4].

Thực hiện lời dạy của Người về bảo vệ, phục hồi tài nguyên rừng, Nhà nước ta đã sớm chú trọng việc đưa vào triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nội dung chỉ đạo của về bảo vệ, phát triển rừng cụ thể như: Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 30/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng; Chỉ thị số 557/CT-BNN-TCLN ngày 25/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường ngăn chặn các điểm nóng và phá rừng, cháy rừng; Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN ngày 21/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường các biện pháp cấp bách về phòng cháy, chữa cháy rừng…

Công tác bảo vệ, phục hồi rừng ở Việt Nam đã có những bước tiến nhất định như khi Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã dần hoàn thiện, tuyên truyền một cách sâu rộng.

Nhận thức về vấn đề này ở các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các đoàn thể được nâng lên cao nên chất lượng tuyên truyền, các phong trào mang tính văn hóa xã hội hiệu quả rõ rệt. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương về tổ chức, cá nhân điển hình cho hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước trồng rừng đạt 9,5 nghìn ha trong tháng 2/2022 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích rừng trồng tăng cao tập trung ở các địa phương như Quảng Ngãi, Yên Bái, Phú Thọ…

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), kết quả thực hiện năm 2021 của ngành lâm nghiệp thì về phát triển rừng, toàn quốc trồng được 277.830 ha rừng, đạt 102,8% kế hoạch, tăng 27% so với năm 2020; trồng 98,96 triệu cây phân tán, đạt 108,5% kế hoạch, tăng 13% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, đạt mục tiêu đề ra. Về bảo vệ rừng, số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp và diện tích rừng bị thiệt hại đều giảm, năm 2021 phát hiện 2.653 vụ vi phạm quy định về bảo vệ rừng, diện tích rừng bị thiệt hại là 852 ha, giảm 6% so với năm 2020.

Mặc dù vậy, công tác bảo vệ và phục hồi rừng ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn khi độ che phủ rừng ngày giảm mạnh, nạn phá rừng khá nghiêm trọng vì theo số liệu đến tháng 2/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì diện tích rừng bị thiệt hại gần 127 ha, giảm 52% so với cùng kỳ mà diện tích rừng bị phá 126 ha, giảm 25%; bị cháy khoảng 1ha, giảm tới 99%. Tình hình vi phạm Luật lâm nghiệp trên toàn quốc vẫn còn diễn biến phức tạp.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng phá rừng, mất rừng, kiểm soát hiệu quả cháy rừng, góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đòi hỏi cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục chú trọng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về Lâm nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện. Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nguy cơ cháy rừng.

Thứ hai, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lực lượng Kiểm lâm, Công an, Bội đội Biên phòng và các chủ rừng... trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các vụ cháy rừng, phá rừng, cất giấu, vận chuyển lâm sản trái phép thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; không chủ quan trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Thứ ba, cần làm tốt công tác chỉ đạo, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lâm nghiệp theo quy định tại Điều 102 Luật Lâm nghiệp. Và tập trung kiểm tra, truy quét tại các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, chặt phá, khai thác, tập kết lâm sản trái pháp luật, các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, các nhà hàng kinh doanh động vật rừng trái phép,…Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng tại gốc qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật Lâm nghiệp.

Thứ tư, phải thường xuyên tổ chức tổng kết công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm để xây dựng và triển khai kế hoạch năm tiếp theo của tỉnh đúng, hiệu quả. Chú trọng hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân; chủ động sẵn sàng 4 tại chỗ, kịp thời xử lý các vụ cháy rừng khi mới phát sinh. Đặc biệt tăng cường việc kiểm tra, soát xét các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy, khu vực rừng có nguy cơ xâm hại cao để xây dựng và triển khai Phương án bảo vệ rừng- phòng chống cháy rừng năm 2022; chủ động xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy, kiểm tra, rà soát cụ thể hệ thống các công trình, trang thiết bị phòng chống cháy rừng để tu sửa, xây dựng, mua sắm bổ sung kịp thời

Thứ năm, Phát huy những kết quả đã đạt được công tác phối hợp tuần tra, kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin với các tỉnh nước bạn Lào ngăn chặn các đối tượng vi phạm khai thác rừng trái phép, phá hoại tài nguyên thiên nhiên tại khu vực biên giới cũng như tạo điều kiện cho nhau tham gia tập huấn, giao lưu, tham quan, học tập kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, quản lý phát triển rừng.

Ths Phan Thị An Phú

Trường Chính trị Trần Phú

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.