Hiện tại, một ứng dụng được Bộ Văn hóa Hy Lạp hỗ trợ cho phép du khách hướng điện thoại của họ vào đền Parthenon hoặc thành cổ Acropolis để quan sát toàn bộ hiện trạng di tích cách đây 2.500 năm.
Shriya Parsotam Chitnavis, một du khách đến từ London, cho biết sau khi dùng thử ứng dụng này vào một buổi chiều nóng nực trên đỉnh đồi Acropolis, Hy Lạp: “Trải nghiệm này thực sự ấn tượng. Tôi không biết nhiều về Acropolis và từng ngần ngại tới đây. Nhìn thấy mô hình ảo khiến di tích trở nên thú vị hơn".
Việc khôi phục mô hình ảo các di tích có thể giúp một số du khách không phải leo bộ lên con dốc đông đúc và phải chờ đợi lâu để được xem cận cảnh các di tích mang tính biểu tượng. Công nghệ thực tế ảo cũng có thể giúp các thành phố du lịch của Hy Lạp trở thành điểm đến quanh năm thay vì chỉ vào các kỳ nghỉ lễ.
Du lịch, vốn đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Hy Lạp, đã tăng trưởng trở lại kể từ đại dịch COVID-19, ngay cả khi cháy rừng khiến du khách tháo chạy khỏi đảo Rhodes và ảnh hưởng đến các thành phố khác vào mùa hè này.
Theo Ngân hàng Hy Lạp, số lượng du khách đến từ tháng 1 đến tháng 7 đã tăng 21,9% lên 16,2 triệu so với một năm trước. Doanh thu chỉ tăng hơn 20%, lên 10,3 tỷ euro (10,8 tỷ USD).
Ứng dụng mang tên “Chronos” sử dụng công nghệ thực tế tăng cường để tái hiện lại khung cảnh năm xưa của di tích khớp với chế độ xem trong thế giới thực khi du khách đi bộ xung quanh.
Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đang đến tay người tiêu dùng sau một thời gian dài được nghiên cứu và dự kiến sẽ ảnh hưởng đến một loạt các hoạt động chuyên môn và giải trí.
Phẫu thuật y tế, huấn luyện quân sự và sửa chữa máy chuyên dụng cũng như trải nghiệm bán lẻ và sự kiện trực tiếp đều nằm trong tầm ngắm của các công ty công nghệ lớn đang đặt cược vào một tương lai nơi công nghệ thực tế tăng cường phổ biến. Các "gã khổng lồ công nghệ" như Meta và Apple đang đẩy mạnh sản xuất kính VR có giá hàng nghìn USD.
Maria Engberg, đồng tác giả cuốn sách “Reality Media”, cho biết mức giá cao sẽ khiến điện thoại di động trở thành nền tảng phân phối AR chính cho người tiêu dùng trong một thời gian.
Engberg, phó giáo sư về khoa học máy tính và công nghệ truyền thông tại Đại học Malmo ở Thụy Điển, cho biết: “AR và VR đã tụt hậu so với những thứ khác như trò chơi và phim mà chúng ta đang sử dụng. Chúng ta sẽ thấy những trải nghiệm thực sự thú vị của khách hàng trong vài năm tới khi nhiều nội dung từ bảo tàng và kho lưu trữ được số hóa hơn”.
Bộ Văn hóa Hy Lạp và cơ quan du lịch quốc gia là những cơ quan rất muốn tận dụng lợi thế của công nghệ thực tế ảo. Trò chơi điện tử nổi tiếng Assassin's Creed Odyssey, cho phép người chơi dạo quanh thành phố Athens cổ đại, được sử dụng để thu hút du khách trẻ từ Trung Quốc đến Hy Lạp bằng một cuộc thi ảnh do nhà nước tổ chức.
Hai năm trước, Microsoft đã hợp tác với Bộ Văn hóa Hy Lạp để triển khai một chuyến tham quan kỹ thuật số phong phú tại Olympia cổ đại, nơi khai sinh ra Thế vận hội Olympic ở miền Nam Hy Lạp.
Bộ trưởng Văn hóa Lina Mendoni cho biết những đổi mới này sẽ tăng cường khả năng tiếp cận các di tích cổ của Hy Lạp, ngoài việc lắp đặt thêm các đường dốc và lối đi chống trượt gần đây.
“Khả năng tiếp cận đang mở rộng sang không gian kỹ thuật số", bà Mendoni cho biết tại sự kiện ra mắt bản xem trước cho ứng dụng "Chronos" vào tháng 5. “Du khách thực và du khách ảo ở mọi nơi trên thế giới đều có thể chia sẻ kiến thức lịch sử".